Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Quân khu 7, nhiều đoàn công tác “về nguồn” Quân khu 7 đã tỏa đi các địa phương trên địa bàn quân khu để thăm hỏi, tặng quà và khám bệnh, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo trên địa bàn quân khu mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
* Nghĩa tình với Đam Rông, Măng Tố
Ngôi nhà của cụ Tô Đình Cắm, ở thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng trong những ngày này luôn đông vui, ấm áp. Cụ là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hiện còn sống. Đoàn công tác “về nguồn” Quân khu 7 do Thiếu tướng Văn Công Danh, Phó Tư lệnh quân khu làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, tặng quà và chúc cụ Cắm sống lâu, sống khỏe cùng con cháu.
Tham gia cách mạng từ năm 22 tuổi, 2 lần bị thương nặng trong kháng chiến chống Pháp và phải chia tay cuộc đời binh nghiệp, nhưng lý tưởng cách mạng vẫn “cháy” trong cụ. Giữa bộn bề, vất vả của cuộc sống thường ngày, cụ Tô Đình Cắm vẫn giữ vững nét đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, dũng khí của người đảng viên, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống mẫu mực, trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng và cấp ủy, chính quyền đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần đối với cụ Tô Đình Cắm, như giải quyết chế độ thương binh, tặng nhà tình nghĩa, thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho cụ. Những việc làm tình nghĩa trên thể hiện sự tri ân sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 đối với những thế hệ đã “vào sinh ra tử” vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Theo chân đoàn công tác “về nguồn” Quân khu 7, chúng tôi đến huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng để ghi nhận không khí khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho các đối tượng chính sách và người dân nghèo trên địa bàn huyện.
Con đường đèo dốc uốn lượn có lúc chìm trong làn mây mỏng dẫn chúng tôi đến xã Liêng S’Ronh. Bà con dân tộc thuộc các xã Rô Men, Đạ R’Sal, Liêng S’Ronh đã có mặt đông đủ tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Liêng S’Ronh. Đại tá Đậu Văn Nậm, Phó Chủ nhiệm Chính trị quân khu đã trao những phần quà chứa đựng tình cảm và trách nhiệm của LLVT quân khu đến đại diện các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong huyện.
Già làng Kơ Sá Ha Kràng xúc động nói: Đại diện nhân dân xã Liêng S’Ronh và nhân dân huyện Đam Rông tôi hết sức cảm ơn Quân khu 7 đã cử đoàn đến đây khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho bà con. Đây là món quà đầy ý nghĩa thể hiện tình cảm gắn bó giữa quân và dân trên địa bàn Quân khu 7.
Đồng chí Bùi Văn Hởi, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết thêm: Đam Rông là huyện nghèo trong diện 30a của Chính phủ, thời gian qua Bộ Tư lệnh quân khu và Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều việc làm rất có ý nghĩa trên đất Đam Rông, không chỉ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo mà còn đóng góp quan trọng hơn trong việc củng cố an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa thể thao. Những đóng góp đó góp phần quan trọng để Đam Rông đi lên và mong rằng thời gian tới huyện nhà vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Tư lệnh Quân khu 7.
Nằm ẩn mình dưới dãy núi Ông hùng vĩ, xã Măng Tố, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận thuộc diện nghèo nhất tỉnh. Theo Phó Chủ tịch xã Hồ Phước Khương thì toàn xã có 3 thôn, trong đó có 1 thôn là thuần đồng bào dân tộc thiểu số với gần 300 hộ chủ yếu là người K’ho; 2 thôn còn lại có người Kinh và một số ít dân tộc khác. Người dân sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp.
Nhận được tin đoàn công tác “về nguồn” của Quân khu 7 đến khám bệnh, phát thuốc nên từ rất sớm nhiều cụ già trong các bản làng đã có mặt tại Trạm Y tế xã để được bác sĩ thăm khám. Ông Roog Văn Đêm, dân tộc K’ho nói: “Tôi già rồi, nhiều bệnh lắm, hôm nay được bác sĩ siêu âm, điện tim và kê toa cho thuốc, về nhà mình uống thuốc là mau khỏi bệnh đây! Mình còn được thủ trưởng Quân khu 7 tận tay trao cho phần quà là những thứ nhà mình đang hết: bột ngọt, dầu ăn, nước mắm, tiết kiệm chắc cũng dùng được cả tháng”.
Được biết trong dịp khám chữa bệnh này trên hai địa bàn Đam Rông và Tánh Linh, đoàn đã khám và phát thuốc miễn phí cho 400 người dân và tặng 400 phần quà tổng giá trị hơn 200 triệu đồng.
* Hướng về Bình Hòa Nam
Nằm trong chuỗi hoạt động “về nguồn” chào mừng 70 năm ngày truyền thống Quân khu 7, tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An - cái nôi ra đời Quân khu 7 sẽ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa. Đó là triển lãm ảnh, chiếu phim lưu động phục vụ bà con xã Bình Hòa Nam; tặng quà cho các cháu học sinh nghèo hiếu học; phát động hành quân “về nguồn” thực hiện công tác dân vận giúp dân; khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân; khánh thành các công trình do Quân khu 7 đầu tư; tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật thắm đượm tình quân dân…
Để đợt hành quân “về nguồn” tại Bình Hòa Nam thành công, mang nhiều dấu ấn, từ nhiều tháng qua, Cục Chính trị Quân khu 7 - cơ quan chủ trì các hoạt động “về nguồn” đã tổ chức các đoàn khảo sát đến kiểm tra tiến độ thi công các công trình chào mừng, xây dựng nhiều nội dung phong phú, thiết thực, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc để tri ân mảnh đất và con người Bình Hòa Nam. Đặc biệt trong đêm giao lưu nghệ thuật “Một thời và mãi mãi” ngoài những bài ca đi cùng năm tháng còn có sự có mặt của những nhân chứng lịch sử, các đồng chí cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Bình Hoà Nam.
Bình Hòa Nam - mảnh đất anh hùng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đang trở thành địa chỉ đỏ “về nguồn” của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7. Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua, Quân khu 7 đã có nhiều việc làm thiết thực hướng về Bình Hòa Nam, như trao tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho trẻ em nghèo, xây tặng trường tiểu học, trung tâm văn hóa thể thao xã… để tri ân mảnh đất và con người Bình Hòa Nam đã đùm bọc, che chở Lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong những ngày đầu thành lập, cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.
THU CÚC - XUÂN HẢI