(QK7 Online) - Những ngày này cùng với cả nước, tỉnh Bình Phước bước vào giai đoạn mới của chống “giặc dịch” Covid-19 khuẩn trương, quyết liệt hơn. Đặc biệt là từ khi chính thức thực hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội. Trong hoàn cảnh khó khăn xuất hiện những câu chuyện, những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” của nhân dân với nhân dân, của hậu phương dành cho tiền tuyến.
Ấm lòng những gia cảnh
Từ ngày 1/4/2020 cùng với cả nước, tỉnh Bình Phước chính thức bước vào thực hiện cách li toàn xã hội một cách nghiêm túc. Theo đó các dịch vụ giải trí, xe ôm, người bán vé số… sẽ tạm ngừng hoạt động cho đến hết ngày 15/4. Không thể nói hết được những khó khăn của lao động nghèo khi thu nhập hàng ngày chỉ đủ để trang trải cuộc sống trong ngày.
Cửa hàng hạt điều Bà Tư tặng quà cho người bán vé số.
Thấu hiểu và sẻ chia, trên địa bàn thành phố Đồng Xoài đã xuất hiện những điểm cung cấp miễn phí các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Đó là các loại lương thực, thực phẩm như gạo, mắm muối, trứng, sữa. Chị Trịnh Thị Nghìn, giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch Thụy Khuê (Đồng Xoài) chia sẻ: Những ngày này các lao động tự do như bán vé số, chạy xe ôm… sẽ không có thu nhập, trong khi gia cảnh họ đều rất khó khăn. Từ ngày 1 đến ngày 15/4 chúng tôi đặt mục tiêu một ngày phát khoảng 100kg gạo, 200 gói mì tôm và 240 quả trứng để chia sẻ với bà con, cùng chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19.
Cũng cùng có địa chỉ tại phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài với dòng chữ viết vội “Nếu bạn khó khăn trong mùa dịch Covid hãy lấy một phần, nếu bạn đầy đủ hơn hãy nhường cho người khác”. Cửa hàng hạt điều Bà Tư đã dành 500 phần quà mỗi ngày trao tặng cho những hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm.
Cầm trên tay món quà vừa được tặng, chị Nguyễn Thị Mến, người bán vé số ở xã Tân Thành, Thành phố Đồng Xoài xúc động: Từ ngày 1/4 tôi nghỉ ở nhà nên không có thu nhập. Đối với gia đình tôi món quà này quý giá lắm. Nó giúp các con tôi có được bữa cơm no trong những ngày này. Thực sự biết ơn vô cùng.
Và còn nhiều nữa các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong mọi lứa tuổi đã có những việc làm thấm đẫm tình người, về tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau vượt qua khó khăn giữa mùa đại dịch. Như hai em Trần Đức Phương và Bùi Lê Thảo Vy 15 tuổi, cùng trú tại thôn Tân Hiệp, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng sử dụng tiền tiết kiệm bấy lâu nay để ủng hộ cho quỹ phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, mỗi em 100 triệu đồng.
Tuyến đầu gọi, hậu phương trả lời
Bình Phước là địa phương có đường biên giới dài nhất trong các tỉnh tiếp giáp với Vương quốc Campuchia với 260,433km. Để góp phần ngăn chặn “giặc dịch” từ biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bình Phước đã thành lập 60 điểm chốt dã chiến với mỗi chốt từ 3 đến 5 đồng chí, trong đó 32 chốt cố định và 28 chốt lưu động. Giữa những tháng ngày nắng nóng như đổ lửa, họ dựng lều, dùng bạt làm mái che đóng chốt trên biên giới để ngày đêm thay nhau tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn vi phạm quy chế biên giới.
Tỉnh đoàn Bình Phước trao tặng vật chất phòng, chống dịch Covid-19 cho Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch, cán bộ, công nhiên viên chức, đoàn viên thanh niên trong tỉnh Bình Phước và các doanh nghiệp đến từ Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí từ miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh đã cùng chung tay góp sức, động viên. Hàng nghìn chiếc khẩu trang, các loại vật chất phòng dịch như đồ bảo hộ, dung dịch rửa tay sát khuẩn, thuốc khử trùng, đèn pin, nước suối… đã được tuyến sau gửi đến để chia sẻ, động viên các chiến sĩ nơi tuyến đầu ngăn dịch. Anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước cho hay: Thời gian qua, thấu hiểu và chia sẻ với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP ngày đêm vất vả ngăn chặn dịch bệnh trên biên giới. Tuổi trẻ Bình Phước đã vận động vật chất, nhu yếu phẩm phòng dịch với trị giá 250 triệu đồng nhằm động viên tinh thần, đóng góp một phần giúp các đồng chí giảm bớt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhân dân trên địa bàn đến thăm, tặng quà điểm chốt của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu, BĐBP tỉnh Bình Phước.
Không chỉ có các doanh nghiệp các mạnh thường quân, nhân dân trên các huyện biên giới cũng đã chung tay san sẻ với các chiến sĩ Biên phòng. Người góp bó rau, ký gạo, người góp vài chục quả trứng gà, thùng mì gói… Tất cả những món quà dù nhỏ hay lớn đều được gửi đến các chiến sĩ bằng cả tấm lòng và trách nhiệm cộng đồng. Chú Trần Văn Hoàng, ở ấp biên giới Tân Phong, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, trong những ngày nắng nóng vừa qua đã dùng xe của gia đình chở hàng nghìn lít nước sạch đến tận các chốt của Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Bình Phước. Chú Hoàng chia sẻ: “Mấy hôm nay thời tiết 37, 38 độ. Mình ở trong nhà còn chịu không nổi. Giờ bộ đội phải canh gác ngoài biên giới, đứng giữa trời, không có điện, không có nước sinh hoạt. Thương lắm”.
Cuộc chiến với “giặc dịch” Covid-19 còn dài và còn nhiều gian nan. Dù ở biên giới có khó khăn, vất vả nhưng ở hậu phương luôn có các tổ chức, cá nhân luôn kề vai, sát cánh. Dù trong những ngày này mọi nhà, mọi người đều gặp khó khăn nhưng chính những sự sẻ chia đã viết lên những câu chuyện đẹp về tinh thần “tương thân tương ái”, về truyền thống “lá lành đùm lá rách”, của dân tộc Việt Nam, để cùng nhau chung tay vượt qua đại dịch.
Hồng Ánh