Những ngày đầu năm 2021, dọc hai bên đường dẫn vào vườn của gia đình ông Nguyễn Thắng Giang là những vườn cao su bát ngát đang mùa thay lá. Gặp ông Giang, ấn tượng đầu tiên với tôi là một người lính Bộ đội Cụ Hồ có thân hình nhỏ nhắn, rắn rỏi, giọng nói ấm áp, chắc nịch, đặc biệt các động tác rất nhanh nhẹn...
“Cỡi sóng Hàm Luông, nhận chìm hạm Mỹ”
Năm 17 tuổi, ông Giang cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Ông được chọn vào huấn luyện lớp đặc công trong thời gian 9 tháng. Năm 1973, ông Giang được điều động về nhận nhiệm vụ tại C270 Đặc công thủy và trực tiếp chiến đấu tại tỉnh Bến Tre. Đơn vị có nhiệm vụ chuyên phá cầu để ngăn chặn sự chi viện, tiếp tế lương thực của kẻ địch; phá tàu chiến của địch trên các tuyến sông...
“Ngày mới về nhận nhiệm vụ, trận đầu tôi và đồng đội đánh phá cầu Mương Điều thuộc thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Do là cầu trọng yếu nên quân địch canh phòng cẩn mật, bố trí hỏa lực mạnh, xây dựng nhiều hàng rào thép gai bảo vệ. Vì vậy, nếu tổ chức đánh phá cầu mà địch phát hiện thì coi như bỏ mạng. Khi thực hiện nhiệm vụ, tôi cùng đồng đội phải ngâm mình trong nước nhiều giờ và thực hiện nhiệm vụ trong đêm. Mỗi lần tiếp cận chân cầu phải dùng ống thông hơi để lặn dưới mặt nước khoảng 30cm nhằm tránh sự phát hiện của địch. Tuy nhiên, địch bố trí hàng rào thép gai dưới dòng sông dày đặc nên mỗi lần tiếp cận chân cầu rất khó khăn. Sau khi tiếp cận được chân cầu, chúng tôi đặt thuốc nổ rồi nhanh chóng rút lui. Khi ra đến vị trí an toàn, tôi phát hiện mình bỏ quên kéo cắt dây kẽm gai trong khu vực cầu. Sợ bị chỉ huy kỷ luật, tôi liều mình ngâm nước quay lại lấy dụng cụ tác chiến. Trận đánh đó, tôi cùng đồng đội đã phá cầu Mương Điều, ngăn chặn sự chi viện của địch khi lực lượng của ta đánh vào huyện Mỏ Cày” - ông Giang bồi hồi kể.
Trận đánh nhớ nhất mà ông Giang tham gia diễn ra đêm 29 rạng sáng 30-4-1975. Lúc đó, ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ đánh sập cầu Đúc (Lương Quới) nhằm cô lập căn cứ Đồng Gò, tỉnh Bến Tre của địch. Đơn vị của ông Giang bị địch phát hiện và đánh trả quyết liệt. Ông Giang nhớ lại: “Trận đó, đồng đội tôi hy sinh hết. Tôi bị thương nhưng cố hết sức bò vào được một con rạch nhỏ rồi ngất lịm. Sáng hôm sau, tôi được du kích phát hiện và đưa về điều trị thì đất nước thống nhất”.
“Trái ngọt khi xế chiều”
Ngày phục viên trở về quê hương Bến Tre, ông Giang được nhận vào công tác tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm với vai trò là chủ nhiệm hợp tác xã mua bán. Sau đó, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngoãn, người cùng quê. Trớ trêu thay, ông Giang lập gia đình mà không thể có con. “Ngày chiến đấu, tỉnh Bến Tre quân địch rải chất độc khắp nơi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng và tăng gia sản xuất. Đặc biệt, khi làm nhiệm vụ đặc công thủy, thường xuyên ngâm mình trong nước nên mọi người phải uống nước mắm để giữ ấm cơ thể. Vì vậy, ngày chung đôi cùng vợ, gia đình ai cũng chờ đợi những đứa con ngoan ra đời nhưng tất cả đều vô vọng” - ông Giang kể.
Không từ bỏ hy vọng, vợ chồng ông bắt đầu hành trình “tìm con”. Nhưng khi đến bệnh viện khám, bác sĩ đều lắc đầu do ông bị nhiễm chất độc hóa học nên vô sinh. Nhận kết quả ông Giang rất buồn, đặc biệt lại càng thương vợ. Nhiều lúc động viên vợ tìm “bến đỗ” khác nhưng vì thương chồng nên bà Ngoãn chấp nhận cuộc sống không con. Từ đó, cuộc sống bình thản của vợ chồng ông cứ thế trôi qua. Được 16 năm thì vợ ông Giang mất vì bạo bệnh. Nỗi đau mất vợ, cuộc sống không con như muốn hạ gục bản lĩnh người lính đặc công năm xưa. Ngấn giọt lệ, ông Giang nhớ lại: Ngày đó, tôi tuyệt vọng lắm, chỉ muốn đi một nơi thật xa để quên hết mọi chuyện buồn. Thế rồi tôi lang thang đi khắp nơi, cuối cùng dừng chân ở Sài Gòn và kiếm sống bằng nghề chụp hình thuê.
Thấy ông Giang một thân một mình, em trai ông tìm mọi cách khuyên anh mình lên Bình Phước sinh sống để có anh, có em lúc trái gió trở trời. Năm 2005, ông Giang lên Bình Phước sống cùng em trai Nguyễn Văn Giáp ở ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh và bắt đầu làm kinh tế. Nhờ chịu khó, ông Giang được người dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp Cần Lê, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lộc Thịnh.
Niềm vui đến với ông khi tuổi xế chiều, ông Giang kết duyên với bà Dương Thị Lợi, một bác sĩ về hưu. Hai mảnh đời kém duyên về đường con cái đã đến với nhau để bầu bạn tuổi già. Mặc dù ông bà năm nay đã sang tuổi lục tuần, nhưng họ có tâm hồn rất trẻ trung. Hằng ngày, ngoài thời gian công tác xã hội, vợ chồng ông Giang cùng nhau vào vườn làm kinh tế.
Vốn sinh ra ở vùng đất chuyên về trồng cây ăn trái, ông Giang bàn với vợ chuyển đổi 2 ha đất trồng cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Giống cây vợ chồng ông Giang chọn trồng chính là bưởi da xanh, chanh không hạt và cam sành. Để vườn cây phát triển tốt, ông chọn giống bưởi chất lượng, đồng thời đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Hiện vườn trái cây của gia đình gồm 50 cây bưởi da xanh, 300 cây cam sành, 350 cây chanh không hạt. Vợ chồng ông Giang còn trồng xen 5.000 gốc sả vào vườn cây ăn trái 1 năm tuổi để có thêm thu nhập. Ông đã xử lý vườn để có trái phục vụ dịp tết Nguyên đán. Dự kiến, tết năm nay ông sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn bưởi da xanh.
Ngày nào cũng vậy, vợ chồng ông lại chở nhau trên chiếc xe honda để vào thăm vườn rồi chiều tối về tổ ấm nhỏ. Mặc dù có chút thua thiệt nhưng ông vẫn tâm niệm mình còn may mắn hơn nhiều so với những đồng đội đã ngã xuống. Vì vậy, ông luôn phấn đấu xứng đáng với truyền thống bộ đội Cụ Hồ bất khuất, kiên trung, không chỉ trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn tỏa sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.