Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 là 15,2 tỷ USD, ngành gỗ sẽ gặp không ít trở ngại, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp ngành này nỗ lực vượt qua.
Năm 2024, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã chủ động trong sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Hàng loạt chuỗi hội chợ tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm gỗ Việt Nam được tổ chức ở các địa phương trọng điểm như TP.HCM, Bình Định, Bình Dương.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang đón những tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như: dăm gỗ tăng gần 38%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Tăng trưởng tích cực, ngành gỗ nắm cơ hội chinh phục mục tiêu 15,2 tỷ USD
7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,36 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ; trong đó, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,75 tỷ USD. Riêng thị trường Mỹ tăng 24%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, kinh tế thế giới năm 2024 vẫn chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về gỗ và sản phẩm gỗ những tháng cuối năm.
Các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ hàng hóa.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Mỹ là thị trường quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, chiếm khoảng 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, riêng thị trường Mỹ, đồ gỗ Việt Nam đối diện với 3 vụ kiện cùng với các vụ kiện từ Hàn quốc, Canada.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, Bộ Thương mại Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ.
Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Đối với thị trường Hàn Quốc, vừa qua Ủy ban Thương mại Hàn Quốc kết luận điều tra và quyết định tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá. Các công ty sản xuất, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sẽ bị tiếp tục bị áp dụng thuế này trong 5 năm tiếp theo, ở mức từ 9,78% tới 32,28%.
Tại EU, Quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), tháng 12/2024 sẽ có hiệu lực. Theo đó, nếu các doanh nghiệp ngành gỗ đáp ứng tốt quy chế này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường EU và sản phẩm gỗ đi vào thị trường này sẽ tăng cao.
Về giải pháp của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên năm trụ cột chính là kỹ thuật và công nghệ sản xuất; sản xuất giảm phát thải; quản trị (chuyển đổi số); xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ.
Hữu Việt