![](/fileman/Uploads/tbNews/10913/thumb/photo1539651936525_1539651936527571506616.jpg)
Hiệp ước INF được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh lạnh của hai quốc gia; tức là, cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500 km đến 5.500 km.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump, viện lý do Nga vi phạm hiệp ước, ngày 22.10. 2018, đã bất ngờ đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước hạt nhân (INF) được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ: “Chúng tôi là những người vẫn tuân thủ thỏa thuận, nhưng Nga thì không, do vậy chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận và rút khỏi thỏa thuận đó”! Đồng thời, cảnh báo “Mỹ sẽ tăng cường lực lượng hạt nhân cho tới khi các quốc gia khác phải thức tỉnh. Khi họ thức tỉnh, tất cả chúng ta đều sẽ trở nên thông minh và chúng ta sẽ dừng lại. Không chỉ dừng lại, chúng ta sẽ cắt giảm, đó là điều tôi muốn làm”, ông Trump ngầm chỉ đến việc Mỹ sẽ tăng cường lực lượng hạt nhân và thể hiện lòng nhân đạo của Mỹ đối với thế giới?
Khi được hỏi liệu tuyên bố này có thể coi là một lời đe dọa hay không, người đứng đầu Nhà Trắng nói: “Đó là một lời cảnh báo tới bất cứ ai mà quý vị muốn. Có thể gồm Trung Quốc, có thể gồm Nga, hay bất cứ ai muốn chơi ván bài đó”. Ông Trump còn nhấn mạnh: “Trung Quốc, tuy không phải là một bên tham gia ký kết hiệp ước, nhưng, cần phải xét cả đến họ”.
Giới chuyên gia cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF kéo dài 30 năm qua, là bước đi rất nguy hiểm, không chỉ nhằm trực diện vào Nga, dường như còn hướng mục tiêu sang cả Trung Quốc - một quốc gia do không ký kết hiệp ước, nên có thể phát triển vũ khí hạt nhân tầm trung mà không bị ngáng trở? Thượng nghị sĩ Mỹ Tim Cotton cho rằng, Trung Quốc chính là một trong những lý do khiến Mỹ cân nhắc rời khỏi INF. “Trung Quốc đang tăng cường phát triển kho tên lửa vì họ không bị bất cứ thứ gì ràng buộc. Tôi từ lâu đã kêu gọi Mỹ cân nhắc rằng, liệu hiệp ước trên còn phục vụ cho lợi ích quốc gia của chúng ta hay không” - ông Cotton nói. Ngoài mâu thuẫn về vấn đề thương mại, Mỹ và Trung Quốc cũng đang căng thẳng về vấn đề an ninh và quân sự. Theo CNN, Trung Quốc đã bắt đầu hiện đại hóa nền quân sự nước này từ những năm 1987, đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển vũ khí mới. Một trong những lĩnh vực Trung Quốc dồn nhiều công sức nhất chính là các tên lửa. Theo thống kê của Mỹ, nếu Trung Quốc có tham gia vào INF, thì 95% kho tên lửa đạn đạo và hành trình của nước này sẽ được coi là vi phạm.
Về phần mình, Nga cho rằng, với tuyên bố rút khỏi INF, Washington đang tìm cách giành ưu thế đàm phán thông qua “đe dọa”. Và Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác là áp dụng các biện pháp đáp trả, trong đó bao gồm cả biện pháp công nghệ quân sự; tuyên bố nước này, buộc phải khôi phục cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ và bắt đầu phát triển các tên lửa mới. Như phát ngôn viên Điện Kremlin đã cho biết thêm rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo, nếu Hiệp ước đổ vỡ, sẽ buộc Moscow phải có những bước đi quân sự cụ thể. “Hủy bỏ các điều khoản của INF buộc Nga phải dùng đến các biện pháp đảm bảo an ninh”.
Ông Fu Mengzi, Phó giám đốc viện quan hệ quốc tế đương đại (Bắc Kinh), thì nhận định rằng việc Tổng thống Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến “dài hơi” với Trung Quốc; “Sau khi rời INF, Mỹ sẽ triển khai và phát triển các hệ thống quân sự mới”, ông Fu nhận định. Liu Weidong, chuyên gia về quan hệ với Mỹ tại học viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng, động thái của ông Trump sẽ giúp Mỹ tự do hơn trong việc phát triển và triển khai các vũ khí thường và vũ khí hạt nhân.
Còn chuyên gia Collin Koh, nhà nghiên cứu tại đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore), cảnh báo rằng quyết định rút khỏi INF của ông Trump có thể đóng vai trò như “chất xúc tác” để Nga và Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ phát triển các chương trình vũ khí.
Một bài báo đăng tải trên New York Times hôm 20.10.2018 cho biết, nếu Mỹ rút khỏi INF, nước này có nhiều khả năng sẽ triển khai phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk. Các tàu nổi và tàu ngầm hiện đã được trang bị tên lửa mang đầu đạn thường, nhưng giới chuyên gia cho rằng kịch bản Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy, sẽ không chỉ gây ra mối đe dọa cho Trung Quốc hay Nga, mà còn cho toàn thế giới.