Ngày 21-7-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (LLVT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị định này, ở cơ sở vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc, chưa hiểu rõ. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với cơ quan chức năng để tìm hiểu và giới thiệu một số nội dung sửa đổi, bổ sung mà bạn đọc đang quan tâm.
Nghị định số 117/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển của LLVT trong giai đoạn mới. Trong đó tập trung vào sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT. Cụ thể những nội dung được sửa đổi, bổ sung như sau:
Một là, Nghị định số 117/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP: Thứ nhất, với Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP quy định: “Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu, tùy theo đối tượng được xếp theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) (bảng 6) với mức lương cao nhất bằng mức lương của cấp bậc quân hàm Thiếu tướng (trừ sĩ quan QĐND và sĩ quan Công an nhân dân (CAND) được điều động, biệt phái) và bảng lương quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) thuộc QĐND (bảng 7)” . Còn theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 2014 thì cấp bậc quân hàm cao nhất đối với Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ là Trung tướng có hệ số lương bằng 9,2.
Để phù hợp với quy định của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam phải sửa đổi Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ-CP: Quy định người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu có mức lương cao nhất bằng mức lương của cấp bậc quân hàm Trung tướng có hệ số lương bằng 9,2.
Cơ quan tài chính Lữ đoàn 146 thực hiện chi trả chế độ cho Bộ đội Trường Sa.
Ảnh: Trần Trọng Tuấn
Thứ hai, Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP quy định: “Việc thăng, giáng cấp bậc quân hàm và nâng lương, nâng phụ cấp quân hàm đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, QNCN và chuyên môn kỹ thuật thuộc LLVT thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với LLVT”. Còn tại Điều 24 và Điều 25 Luật CAND quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất và thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước cấp bậc, …. đối với sĩ quan CAND nhưng chưa quy định việc nâng lương cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan CAND. Cùng với đó, tại Điều 15, Điều 17 và Điều 25 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất; điều kiện thăng quân hàm, thời hạn thăng quân hàm và thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước quân hàm, nâng lương đối với sĩ quan nhưng chưa quy định thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm sĩ quan.
Để khắc phục những vấn đề nêu trên, yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Thời hạn xét nâng lương đối với sĩ quan: Thời hạn xét nâng lương đối với sĩ quan cấp bậc quân hàm cấp tướng, cấp tá và cấp bậc hàm đại úy là 4 năm; thời hạn xét nâng lương cấp bậc hàm thượng úy là 3 năm. Còn điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng lương cấp bậc hàm sĩ quan QĐND và sĩ quan CAND như quy định thăng cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan QĐND và sĩ quan CAND. Thẩm quyền quyết định nâng lương: Đối với sĩ quan QĐND thực hiện theo Khoản 5, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 2014. Đối với CAND: Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đối với cấp bậc hàm Đại tướng và Thượng tướng; Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định đối với cấp bậc hàm Trung tướng trở xuống.
Hai là, một số nội dung sửa đổi, bổ sung Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc QĐND và CAND ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Theo đó, Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc QĐND và CAND ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP gồm 2 mục sau: Mục I - Phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, gồm 24 khoản. Mục II - Phụ cấp chức vụ lãnh đạo QĐND và CAND. Lý do sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Mục I Nghị định 204/2004/NĐ-CP, Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước không phải chức vụ lãnh đạo trong QĐND và CAND, vì: Ngày 18-4-2012, Chính phủ ban Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ và cơ quan ngang bộ. Tại Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 36/2012/NĐ-CP quy định: “Cục thuộc bộ chỉ có một loại”, nhưng trong Nghị định số 204/2004/NĐ-CP quy định 3 mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cục thuộc bộ (Cục trưởng hạng I có hệ số: 1,25; Cục trưởng hạng II có hệ số: 1,10; Cục trưởng hạng III có hệ số: 1,00). Do vậy, để phù hợp với Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ và thống nhất tổ chức thực hiện, cần thiết sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Mục I Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cục trực thuộc bộ như trong nghị định.
Việc ban hành Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21-7-2016 của Chính phủ không thay đổi chế độ của quân nhân, chỉ liên quan tới trình tự thủ tục xét nâng lương đối với sĩ quan thuộc phạm vi quản lý. Do vậy, tại Khoản 1, Điều 4 nghị định giao cho: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn trình tự, thủ tục xét nâng lương đối với sĩ quan thuộc phạm vi quản lý”. Về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục xét nâng lương đối với sĩ quan QĐND; khi Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 2014 có hiệu lực thi hành; ngày 9-5-2015, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 44/2015/TT-BQP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 25a Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về trình tự, thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương đối với sĩ quan. Vì vậy, không cần phải có văn bản hướng dẫn mà chỉ cần sao gửi nghị định và kèm theo Thông tư số 44 của bộ để các đơn vị thực hiện.
Ngô Anh Thu (Theo QĐND)