Ngày 13/1, Bộ Thương mại Malaysia cho biết đã áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng được nhập khẩu từ các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Theo đó, danh sách 4 quốc gia bị phía Malaysia áp thuế chống bán phá giá gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ Thương mại Malaysia cho biết rằng nước này sẽ tiến hành áp thuế chống phá tạm thời đối với các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng có chiều rộng hơn 600mm. Mức thuế được áp giá dao động từ mức 2,52% đến 36,80% và quyết định sơ bộ này đã có hiệu lực từ ngày 11/1.
Malaysia áp thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc
Cơ quan này cho biết thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ có hiệu lực trong tối đa 120 ngày và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 10/5/2025. Các bên liên quan có thể nộp hồ sơ để phản hồi lại quyết định sơ bộ trên cho đến ngày 20/1.
Quyết định của Bộ Thương mại Malaysia được đưa ra sau cuộc điều tra tiến hành đối với các sản phẩm từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu vào tháng 8/2024, sau đơn kiến nghị của một nhà sản xuất trong nước.
Theo đó, nhà sản xuất này cáo buộc rằng các sản phẩm nhập khẩu từ 4 quốc gia trên được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá nội địa, gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp của Malaysia.
Tại Việt Nam, do thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ nhập khẩu tràn lan vào năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra sản phẩm này, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra đối với thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng cả hai mức thuế này đều có thể áp dụng vào năm 2025 để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong trường hợp điều này được thực hiện, chênh lệch giữa thép cuộn cán nóng HRC, thép mạ kẽm nhúng nóng HDG trong nước và nhập khẩu có thể giảm xuống còn 45 USD/tấn và 60 USD/tấn, giảm lần lượt 20% và 24% so với năm 2024.
Sự chênh lệch giá thấp hơn dự kiến có thể tác động tích cực đến các nhà sản xuất thép nội địa khi cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập khẩu.
MBS nhận định vào năm 2025, thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế.
Theo đó, thị phần của Hòa Phát về phân khúc thép cuộn cán nóng HRC có thể đạt 25% nhờ thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc và Ấn Độ. Về thép mạ kẽm nhúng nóng HDG, các công ty đầu ngành như Hoa Sen và Nam Kim sẽ chiếm gần 40% thị phần tiêu thụ.
Thúy Hà