Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Lữ đoàn 77 (1-10-1973/ 1-10-2023), phóng viên Báo Quân khu có cuộc trao đổi với Đại tá Lương Khắc Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn về thành tích của đơn vị trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 77.
Đại tá Lương Khắc Quang: Để tăng cường lực lượng đánh địch, giành quyền làm chủ trên không, ngày 30-9-1973, Bộ Tư lệnh Miền quyết định tách cơ quan chỉ huy phòng không khỏi đội hình Đoàn Pháo binh Miền để xây dựng cơ quan Bộ Chỉ huy Phòng không (Đoàn 77). Ngày 1-10-1973, tại vùng giải phóng Lộc Ninh, Đoàn 77 Phòng không chính thức ra mắt trên cơ sở các Trung đoàn 71, 210 và một số tiểu đoàn cao xạ độc lập thuộc Bộ Tư lệnh Miền.
Buổi đầu mới thành lập, Đoàn 77 gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 77 vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, bám địch mà đánh, tích cực nghiên cứu qui luật hoạt động của máy bay địch để tìm ra cách đánh phù hợp. Chỉ trong 3 tháng sau ngày thành lập, đơn vị đã bắn rơi hàng chục máy bay các loại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng và chi viện đắc lực cho các đơn vị.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn 77 tham gia đội hình tiến công của Đoàn 232 trên hướng Tây và Tây Nam Sài Gòn. Đoàn 77 tổ chức cơ quan tiền phương đi cùng Bộ Tư lệnh Đoàn 232 chỉ huy lực lượng phòng không đánh vào trung tâm Sài Gòn. Tiểu đoàn 6 cùng Sư đoàn 3 giải phóng Hậu Nghĩa. Các phân đội tên lửa A72 thọc sâu đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát ngụy, góp công chung vào thắng lợi của chiến dịch.
Sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới, Đoàn 77 Phòng không Miền giải thể, các đơn vị trực thuộc được điều về xây dựng lực lượng phòng không của Quân khu 7 và Quân khu 9. Trung đoàn 595 – đơn vị duy nhất của Đoàn 77 còn lại sau sắp xếp tổ chức biên chế về trực thuộc Quân khu 7, trở thành đơn vị phòng không nòng cốt của Quân khu.
Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Trung đoàn 595 phối hợp với các đơn vị của Quân khu và Bộ Quốc phòng chiến đấu quét sạch quân thù ra khỏi tuyến biên giới. 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế (1979-1989), trong điều kiện chiến trường khó khăn, ác liệt, xa hậu phương, nhưng cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật, làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 4-10-1988, Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập Trung đoàn phòng không 77 với lực lượng nòng cốt của Trung đoàn 595 và Tiểu đoàn 12 thuộc Trung đoàn 77 từ Mặt trận 479 và 779 rút quân từ Campuchia về nước. Ngày 31-5-1991, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 208/QĐ-QP về việc tổ chức lại Trung đoàn Phòng không 77 thành Lữ đoàn Phòng không 77 với nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng bảo vệ vững chắc bầu trời TPHCM và các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn Quân khu.
Đại tá Lương Khắc Quang: Nét nổi bật trong trong công tác huấn luyện ở Lữ đoàn 77 là đơn vị đã quán triệt, thực hiện nghiêm mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu; bám sát phương châm “3 thực chất” (dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá thực chất), tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Trong huấn luyện thực hiện đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, bám sát “3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp”; tập trung huấn luyện sát thực tế, phù hợp với điều kiện tác chiến phòng không hiện đại, theo khả năng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và đáp ứng yêu cầu cần thiết của vũ khí công nghệ cao. Kết hợp huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, gắn huấn luyện với rèn luyện thể lực, đáp ứng yêu cầu chiến đấu phòng không liên tục, dài ngày, trong điều kiện khó khăn, phức tạp.
Thủ trưởng Lữ đoàn 77 kiểm tra mô hình học cụ huấn luyện của đơn vị.
Chất lượng huấn luyện được nâng lên là cơ sở để Lữ đoàn hoàn thành tốt công tác SSCĐ. Lữ đoàn luôn nắm chắc nhiệm vụ được giao, mục tiêu bảo vệ; tăng cường các biện pháp nắm địch, làm tốt công tác hiệp đồng chặt chẽ, thông báo, xử lý thông tin báo động chiến đấu phòng không với các đơn vị của Bộ Quốc phòng trên địa bàn và LLVT địa phương, nhất là trong cao điểm bảo vệ các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ, tết của đất nước.
Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên được Lữ đoàn 77 chú trọng thực hiện tốt.
Đại tá Lương Khắc Quang: Công tác xây dựng Đảng được lữ đoàn triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Trong đó, lữ đoàn tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ; triển khai hiệu quả các mô hình “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới”, “5 chủ động trong công tác tư tưởng”. Tỉ lệ tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ ngày càng tăng. Từ năm 2018 đến năm 2022, Đảng bộ lữ đoàn liên tục đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, nhiều tập thể, cá nhân được Bộ Quốc phòng, Quân khu khen thưởng.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 77 thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật, sẵn sàng cho mọi tình huống.
Tự hào tiếp nối truyền thống đơn vị anh hùng LLVT Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 77 hôm nay nguyện không ngừng rèn đức, luyện tài, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy Lữ đoàn 77!