liền kề chốt dân quân biên giới. Ảnh: CTV.
Từ cụm dân cư, chốt dân quân biên giới ban đầu
Ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Đảng ủy-Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng thế trận phòng thủ biên giới với việc triển khai các dự án kinh tế kết hợp với QP - AN; tiến hành rà phá bom mìn, giải phóng nhiều vùng đất đai cho nhân dân sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng để quy hoạch các cụm dân cư ở biên giới. Đến năm 2005, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 28 cụm dân cư với khoảng 2,5 vạn dân.
Cùng với việc quy hoạch các cụm dân cư, để người dân an tâm sản xuất và bảo đảm an ninh, an toàn trên tuyến biên giới, Bộ CHQS tỉnh đã báo cáo, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xin chủ trương xây dựng các chốt dân quân trên tuyến biên giới. Từ cuối năm 1991 đến tháng 3/1995, những chốt dân quân biên giới đầu tiên được hình thành gồm: Chốt Đập Đá (xã Tân Lập, huyện Tân Biên), chốt Bàu Năng, chốt Cây Me (xã Long Thuận, huyện Bến Cầu). Từ hoạt động hiệu quả của các chốt dân quân, Tỉnh ủy - UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, xây dựng, nhân rộng mô hình chốt dân quân biên giới. Đến năm 2006 toàn tỉnh đã xây dựng được 28 chốt bố trí xen kẽ với 15 đồn, 16 trạm Biên phòng tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc. Ban đầu, các chốt được xây dựng chủ yếu là nhà tạm, tranh tre vách đất, nhà gỗ mái tôn. Để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài, hoạt động có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến xã đã từng bước đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị vật chất, phương tiện, quan tâm bảo đảm tốt đời sống cho lực lượng dân quân trên chốt.
Chốt dân quân, điểm dân cư liền kề vững chắc
Trước tình trạng một số chốt dân quân xây dựng ở địa hình phức tạp, xa khu dân cư nên điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và yếu tố bảo đảm cho nhiệm vụ SSCĐ còn nhiều khó khăn, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng chốt dân quân giai đoạn 2017-2020 với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Theo đề án của tỉnh và Quân khu, đến nay hầu hết các chốt dân quân đã có công trình chiến đấu vững chắc.
Xác định Nhân dân là chỗ dựa cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biên giới “mỗi người dân là một cột mốc sống giữ biên cương”, tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh thực hiện chính sách “an dân giữ đất biên cương”. Sau khi hoàn thành xây dựng khu dân cư Chàng Riệc tại huyện Tân Biên, tỉnh được Quân khu chọn là địa phương làm điểm xây dựng “Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới”. Đây là một chủ trương đúng đắn, sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, được cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân Tây Ninh đồng thuận cao. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 6 Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới với kinh phí xây dựng gần 45 tỷ đồng. Mỗi Điểm dân cư xây dựng 5 căn nhà cấp 4, diện tích 66m2 với đầy đủ điện, nước sinh hoạt. Ngoài diện tích đất xây dựng nhà và đất vườn 500m2, mỗi hộ gia đình còn được hỗ trợ 10.000m2 đất sản xuất. Đối tượng thụ hưởng ưu tiên cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực, Bộ đội Biên phòng, Quân nhân dự bị có hoàn cảnh khó khăn, tình nguyện lên định cư ở biên giới.
Sát cánh cùng 32 Chốt dân quân, các Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trở thành chỗ dựa vững chắc trong thế trận liên hoàn bảo vệ biên cương. Cán bộ, chiến sĩ dân quân trên chốt tăng thêm sức mạnh tinh thần, tự tin thực hiện nhiệm vụ. Nhân dân an cư, phấn khởi, tin tưởng, vượt khó vươn lên để ổn định và phát triển đời sống nơi tuyến đầu Tổ quốc, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển