
Theo các phương án, kế hoạch được hiệp đồng, xây dựng từ trước, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận đã bổ sung, điểu chỉnh kế hoạch, phương án. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị dừng mọi công tác huấn luyện, tập trung lực lượng, phương tiện, vật chất sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống trước, trong và sau bão.
Từ sáng ngày 3/11, 100% quân số cấm trại tại đơn vị sẵn sàng cơ động để sơ tán người, tài sản Nhân dân đến nơi an toàn, giúp kéo tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, giữ gìn an ninh trật tự, tài sản của dân. Trước mắt các đơn vị kiểm tra, chằng đè các kho tàng, doanh trại Quân đội, kho dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật để an tâm khi đi làm nhiệm vụ giúp dân.
Đại tá Phan Công Ngôn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận
Là đơn vị bảo đảm phương tiện, lực lượng sẵn sàng cơ động đến các vị trí xung yếu nhất của bão, Đại đội Thiết giáp 74 đang khẩn trương chuẩn bị xe máy, vật chất để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài bộ phận ở lại doanh trại bảo vệ, cán bộ, chiến sĩ cùng với sự hỗ trợ máy móc như cưa máy, máy khoan cắt bê tông, máy tời, máy kéo dùng xe Thiết giáp để thực hiện nhiệm vụ khi bão đổ bộ vào. Thượng úy Ngô Ngọc Trung, Phó Đại đội trưởng Đại đội Thiết giáp 74, cho biết: “Đến 11 giờ trưa 3/11, đơn vị đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị. Mọi vật chất, máy thông tin, các tổ đã được phân công trên mỗi kíp xe, khi có lệnh của Bộ CHQS tỉnh là thực hiện nhiệm vụ được ngay”.

Với Đại đội Trinh sát 5, từ trưa ngày 3/11, đơn vị cắt cử 1 bộ phận ở lại doanh trại, còn tất cả lực lượng, cùng phương tiện bảo đảm cơ động ra huyện Tuy Phong. Huyện Tuy Phong là địa phương được tỉnh xác định sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ vào. Cùng với LLVT huyện Tuy Phong, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Trinh sát 5 sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tài sản của Nhân dân khi bão đổ bộ vào.
Đảo Phú Quý được dự báo là địa phương sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên của bão số 12. Trung tá Vũ Thọ Sinh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Quý cho biết: “Hiện giờ Ban CHQS đã triển khai tất cả các lực lượng đến giúp đỡ ngư dân kéo tàu thuyền lên bờ, chằng, chống nhà cửa, doanh trại, gia cố hệ thống thông tin. Rút kinh nghiệm từ việc chống bão các năm qua, (nhất là bão số 6 tháng 12 năm 2006) quét qua đảo đánh vỡ nhiều tàu, thuyền neo đậu trên các bãi neo đậu. Các đơn vị đứng chân trên địa bàn nào phụ trách nơi đó. Cán bộ xuống các địa bàn, bám trụ, nắm chắc tình hình “kiểm tra từng nhà, rà từng hộ”, tổ chức trực ban, trực phòng chống bão 24/24 giờ để theo dõi sát diễn biến của bão số 12 và báo cáo kịp thời về Bộ CHQS tỉnh. Ban CHQS huyện LLVT đã hiệp đồng chặt chẽ với các cấp, các ngành, bên cạnh việc giúp Nhân dân, đã cử 1 bộ phận phối hợp rà soát, kiểm tra các phương án, chuẩn bị địa điểm để di dời Nhân dân đến nơi an toàn và bảo vệ tài sản của Nhân dân”.
Lực lượng thông tin của Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị đã được phân công đến tất cả các đơn vị để gia cố lại đường dây thông tin, chặt cây có nguy cơ gẫy đè đường dây; kiểm tra lại mạng điện thoại nội bộ quân sự, máy thông tin PRC25, máy ICom, vô tuyến điện, hữu tuyến điện sóng ngắn để giữ vững thông tin liên lạc nắm tình hình và báo cáo trước, trong và sau bão.
Hiện nay cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp để phòng chống nhằm giảm thiệt hại nhất do bão gây ra cho Nhân dân và LLVT. Bộ CHQS tỉnh thành lập các đội ứng cứu ở Bộ chỉ huy, các Đại đội và Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cứu hộ, thuốc men, quân y, lực lượng, phương tiện cơ động để ứng cứu khi bão đổ bộ vào.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 13 giờ ngày 3/11, toàn tỉnh Bình Thuận các tàu thuyền đã vào bờ hết, bố trí neo đậu an toàn.