(QK7 Online) - Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra 19 vụ thiên tai, sự cố, cháy nổ, làm 2 người mất tích, bị thương 2 người, hư hỏng 8 tàu cá, xuồng máy, 296 căn nhà, uy hiếp trực tiếp 510 căn nhà. Lốc xoáy 6 vụ, biển xâm thực gây sạt lở 7 vụ, quy mô ngày càng lớn. Nhất là hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Thiên tai đã làm thiệt hại về hoa màu gần 3.400ha, làm 134.747 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt….
Theo nhận định, những tháng cuối năm 2016 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lượng mưa sẽ lớn, nhất là tập trung từ tháng 8 đến tháng 10. Bão, lũ, lụt nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn của tỉnh. Để chủ động và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt, bão, lũ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, Bộ CHQS tỉnh xác định cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, việc chủ động phòng, chống lụt, bão, khắc phục sự cố thiên tai cũng là một nhiệm vụ quan trọng, đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Theo phương châm "4 tại chỗ", ngay từ đầu năm 2016, Bộ CHQS tỉnh quán triệt chỉ thị, hướng dẫn của Quân khu cho cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị. Ra chỉ thị, kế hoạch, kiện toàn, bổ sung phương án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị, nhà trường.
LLVT tỉnh giúp nhân dân Phường Đức Long, thành phố Phan Thiết đắp kè chống biển xâm thực.
Để không bị bất ngờ trong xử lý, ứng cứu, với mỗi tình huống Bộ CHQS tỉnh đã dự kiến phương án đối phó. Thời gian này, các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ về nhiệm vụ phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Các cơ quan, đơn vị kiểm tra, củng cố, bổ sung, sửa chữa vật chất, phương tiện bảo đảm để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Bộ CHQS tỉnh hiện được biên chế, trang bị Trung đội vận tải, xe cứu hỏa, cứu thương, xe cẩu, máy khoan cắt bê tông, máy cưa, máy phát điện, 11 xuồng máy, ca nô đều có hệ số kỹ thuật tốt. Từ cấp trung đội trở lên và Ban CHQS xã, phường, thị trấn được trang bị nhà bạt, áo phao, phao cứu sinh, dây thừng và các trang bị vật chất thiết yếu khác phục vụ công tác phòng chống lụt, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn ….
Giúp nhân dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn
Công tác thông tin, nắm tình hình về lụt, bão, lũ, thiên tai được chú trọng. Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng, củng cố, duy trì hệ thống thông tin, tín hiệu cảnh báo, báo động từ tỉnh đến các xã, phường. Hệ thống trực chỉ huy, trực chiến, trực ban, trực thông tin thường xuyên theo dõi, nắm chắc địa bàn, diễn biến thời tiết, khí hậu, mưa lũ ... Khi có tình huống bão, lũ, lụt, thiên tai xảy ra, các đơn vị quân đội luôn duy trì 100% quân số.
Để chủ động trong quá trình cơ động, sử dụng lực lượng, phương tiện, ngay trong quý 1 năm 2016, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị của Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn tỉnh và lực lượng tăng cường của Quân khu gồm Sư đoàn 302, Lữ đoàn Công Binh, Lữ đoàn Pháo binh, Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp và Công ty Đông Hải. Bộ CHQS tỉnh đã hiệp đồng chặt chẽ, cụ thể về thông tin liên lạc, địa bàn ứng cứu, phương tiện và các mặt bảo đảm khác trong phối hợp, tham gia phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn.
Giúp nhân dân kéo tàu lên bờ tránh, trú bão
Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh luôn coi trọng công tác huấn luyện, diễn tập phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng. Theo phương châm “4 tại chỗ”, với chủ trương phòng là chính và khi có sự cố thì ứng cứu nhanh, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận đã đưa những nội dung huấn luyện sát với điều kiện khi thực hiện nhiệm vụ như: bơi cứu người, phương pháp cấp cứu người bị nạn, cứu sập, di dời nhân dân và cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ, lụt, bão ... Hàng năm đều tổ chức diễn tập cho 1 đến 2 huyện, thị xã, thành phố, riêng năm 2016 huyện Phú Quý sẽ tổ chức diễn tập phòng chống lụt, bão, lũ, tìm kiếm cứu nạn. Qua huấn luyện, diễn tập, vận hành cơ chế xử lý các tình huống, trình độ chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng được nâng cao, năng lực tham mưu, xử lý các tình huống của cán bộ, các cơ quan chức năng được nâng lên.
Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo Ban CHQS 10 huyện, thị xã, thành phố, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bổ sung các phương án phòng chống lụt, bão gắn với nhiệm vụ của địa phương; bổ sung kế hoạch, rà soát, xác định vị trí di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho nhân dân nhận thức rõ việc phòng chống lụt, bão, thiên tai là trách nhiệm của mỗi người nhằm bảo vệ chính tính mạng, tài sản của mình, gia đình mình. Từ đó, nâng cao ý thức, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chủ động đối phó kịp thời khi lụt, bão, lũ, thiên tai xảy ra.
Duy Thỉnh