Lực lượng Tăng – Thiết giáp Quân khu trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định ngày 26-4-1975. Ảnh: Tư liệu
Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu
Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh có các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Tư lệnh; Phạm Hùng, Chính ủy; các Phó Tư lệnh là Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (Binh đoàn Tây Nam, tương đương quân đoàn); tổng số lực lượng gồm 15 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh, 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh, 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công, 1 trung đoàn tên lửa, một bộ phận không quân, hải quân cùng LLVT địa phương và Nhân dân trên địa bàn chiến dịch. Lực lượng địch có Quân đoàn 3 (gồm bốn sư đoàn bộ binh 22, 25, 5 và 18), sư đoàn thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn dù, 1 lữ đoàn kị binh thiết giáp, 3 liên đoàn biệt động quân, 19 tiểu đoàn pháo binh, 800 máy bay, 862 tàu hải quân cùng lực lượng bảo an, cảnh sát, phòng vệ dân sự...; tổ chức phòng thủ thành 3 tuyến vòng ngoài (cách trung tâm Sài Gòn 30-50km), ven đô và nội đô.
17 giờ ngày 26-4-1975, bốn quân đoàn chủ lực 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 tiến công Sài Gòn từ các hướng Bắc, Đông, Tây Bắc và Nam, Tây Nam. Lực lượng đặc công, biệt động của Miền và Sài Gòn - Gia Định nhanh chóng chiếm lĩnh các đầu cầu, trục giao thông chính, mở đường cho các quân đoàn tiến đánh Sài Gòn.
Sư đoàn 6, Quân khu 7 (trong đội hình Quân đoàn 4) tiến công trên hướng quan trọng phía Đông Sài Gòn. Đây là hướng cả ta và địch đều tập trung lực lượng mạnh nhất. Sư đoàn 6 trong chiến dịch được giao nhiệm vụ cùng với Sư đoàn 341 mở đường cho Quân đoàn 4 tiến vào Sài Gòn, tạo điều kiện cho Sư đoàn 7 nhanh chóng thọc sâu vào nội đô, đánh chiếm Dinh Độc Lập và các mục tiêu khác ở Quận 1. Ngày 27 và 28-4-1975, Sư đoàn 6 được tăng cường thêm Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) thực hiện mũi vu hồi, chia cắt phía sau căn cứ Sư đoàn 18 ngụy ở Trảng Bom, đập tan khu vực phòng thủ suối Ông Hùng. Ngày 29-4, sư đoàn tiêu diệt và làm tan rã Trung đoàn 5 thiết giáp địch ở ngã ba Yên Thế, sau đó, cùng với Sư đoàn 341 tiếp tục đánh chiếm Hố Nai để tiến về Biên Hòa. Chiều 29-4, Sư đoàn 6 đánh chiếm sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, phối hợp với Sư đoàn 341 chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 không quân và sân bay Biên Hòa. Ngày 30-4-1975, Sư đoàn 6 tiếp tục truy quét tàn quân địch, chiếm các mục tiêu còn lại và làm nhiệm vụ quân quản ở thị xã Biên Hòa.
Sư đoàn 5 (trong đội hình Đoàn 232) tiến công xuống Tân An, Thủ Thừa, cắt đứt lộ 4 từ Bến Lức đi Tân An, bịt đường rút chạy của địch về đồng bằng Sông Cửu Long. Để thực hiện được mũi tiến công hiểm yếu này, Sư đoàn 5 đã thực hiện một kỳ công chưa từng có là đưa pháo và thiết giáp vượt qua khu vực Đồng Tháp Mười sình lầy.
LLVT Thành đội Sài Gòn - Gia Định phối hợp với chủ lực, đặc công, biệt động phát triển đánh chiếm trên các hướng vùng ven về Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo, Quán Tre, xa lộ Sài Gòn và chốt chặn cửa sông Nhà Bè.
LLVT các địa phương cùng Nhân dân nổi dậy, tự lực hoặc phối hợp với bộ đội trên về giải phóng địa phương. Riêng tỉnh Tây Ninh đã tự giải phóng trước Sài Gòn bằng các lực lượng địa phương.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lực lượng ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!
Cùng với đòn tiến công quân sự, Nhân dân nội thành, ngoại thành Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm. Nắm vững thời cơ chiến lược, ngày 1-5-1975, quân và dân Khu 8, Khu 9 tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của địch ở đồng bằng Sông Cửu Long, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Kết quả ta tiêu diệt, làm tan rã khoảng 250.000 tên địch, gồm 7 sư đoàn bộ binh, 5 lữ đoàn dù, kị binh thiết giáp, pháo binh, 4 sư đoàn không quân... thu 500 khẩu pháo, trên 400 xe tăng, xe bọc thép, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 3.000 xe quân sự, 270.000 khẩu súng các loại; giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh Tân An, Gò Công, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa. Chiến dịch Hồ Chí Minh là điển hình về hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; đòn quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, kết thúc chiến tranh.
Từ người chiến sĩ vệ quốc chân đất, tầm vông vạt nhọn trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp, LLVT Quân khu và Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã trưởng thành vượt bậc, trở thành đội ngũ hùng mạnh với tổ chức ba thứ quân và phát triển rộng khắp. Trải qua chặng đường 30 năm kháng chiến “gian lao mà anh dũng”, “đi trước về sau”, LLVT miền Đông Nam Bộ - Quân khu 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Hồ Chủ tịch: Bắc - Nam sum họp một nhà.
Kỷ niệm 48 Năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), LLVT Quân khu dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương luôn phát huy truyền thống vẻ vang “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng”, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần vì Nhân dân phục vụ, thường xuyên học tập, rèn luyện, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7