(QK7 Online) - Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” Bác Hồ trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. 70 năm trôi qua, song tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình. Hào khí đó đang tiếp tục được cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 tiếp nối và phát triển rạng rỡ.
Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, quân dân miền Đông Nam Bộ đã tổ chức nhiều trận đánh, khiến quân Pháp phải phân tán lực lượng, bị động đối phó và không thể tập trung toàn lực cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong khi ở Điện Biên Phủ quân ta từng bước khép chặt vòng vây, làm phá sản từng mảng lớn “Kế hoạch Nava”, làm chủ thế trận… thì vùng du kích và căn cứ của ta ở Đông Nam Bộ, nhất là Chiến khu D được mở rộng phát triển mạnh mẽ. Quân và dân miền Đông Nam Bộ xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng, kìm chân địch, tiêu hao tiêu diệt địch, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Họp mặt Vệ quốc đoàn tại miền Đông Nam bộ (Ảnh: Tư liệu).
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh toàn dân tộc, trong đó miền Đông Nam Bộ nơi cách xa chiến trường Điện Biên Phủ 2.000 kilomet đã có những đóng góp quan trọng, với rất nhiều các hoạt động, trong đó nổi bật 3 hoạt động chính, một là quân và dân miền Đông Nam Bộ tập trung giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích, thứ 2 là củng cố, mở rộng căn cứ địa cách mạng, thứ 3 là mở rộng công tác địch ngụy vận. Đối với Nhân dân thì nổi dậy phá tề, diệt ác, làm chủ nhiều xóm ấp, các đơn vị chủ lực của phân liên khu, của các Tiểu đoàn chủ lực, đẩy mạnh các hoạt động tác chiến, chống địch càng quét, tập kích, tiêu diệt nhiều đồn bót của địch, tính trong năm 1953 – 1954, quân và dân miền Đông Nam Bộ đã đánh 2.133 trận”.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu tặng hoa chúc mừng Khối nữ du kích miền Nam tại buổi xuất quân tham gia huấn luyện diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: Nguyễn Hoàng).
Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được LLVT Quân khu 7 tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong những ngày này, không khí thi đua “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên - Tiến lên giành 3 nhất” tại các đơn vị càng thêm khẩn trương, sôi nổi, từng cán bộ, chiến sĩ thể hiện tinh thần quyết tâm hoàn thành tốt các nội dung, chương trình đã xác định. Lập thành tích chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên thao trường, bãi tập, bộ đội miệt mài luyện tập phương án sẵn sàng chiến đấu. Vừa kết thúc buổi huấn luyện, chiến sĩ Lê Sỹ Đạt, Đại đội 5, Tiểu đoàn 21, Lữ đoàn 26 phấn khởi: “Phát huy hào khí Điện Biên Phủ, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Mặc dù trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhưng chúng tôi luôn khắc phục khó khăn, ra sức luyện giỏi, rèn nghiêm, luyện tập theo đúng kế hoạch, nhất là các nội dung chiến thuật và khai thác, làm chủ phương tiện, trang bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại”.
Bộ đội Tăng - Thiết giáp Quân khu 7 làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Năm xưa, cha ông ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ từ sức mạnh, nhân tố chính trị tinh thần, ở khối đại đoàn kết toàn dân và bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết chiến quyết thắng. Bài học, tinh thần, hào khí ấy đặt ra yêu cầu các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7 hôm nay phải phát huy cao độ phẩm chất dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo vượt qua thách thức, tất cả để giành chiến thắng. Điển hình như sáng kiến “Thiết bị phát hiện, kiểm tra sóng VTĐ” của nhóm tác giả trẻ Lữ đoàn 23, sản phẩm vừa đạt giải A hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp Quân khu. Đại úy Vũ Nhân Sự, Trợ lý truyền dẫn - VSAT, Phòng Hậu Cần - Kỹ thuật Lữ đoàn 23 cho biết: “Trước khi có sáng kiến, người đánh giá khả năng liên lạc bằng mắt thường và qua kinh nghiệm, từ khi có sáng kiến thì mỗi lần kiểm tra sóng vô tuyến điện, thiết bị sẽ hiển thị sóng có tốt hay không, thứ hai là thiết bị phát được sóng, thứ 3 là kiểm tra được tần số lân cận, độ nhiễu, độ trùng của tần số, từ đó có thể chuyển đổi tần số cho phù hợp trong công tác đảm bảo thông tin liên lạc, nhất là đảm bảo thông tin vô tuyến điện”.
Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7 động viên, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 hoàn thành nhiệm vụ diễn tập.
Trên mảnh đất lịch sử Điện Biên, 92 cô gái đại diện khối “Nữ du kích miền Nam” nổi bật với sự dịu dàng, đằm thắm trong bộ quần áo bà ba đen, cổ đeo khăn rằn, đội nón tai bèo, tay bồng súng, cùng các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành, tái hiện khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ; thể hiện khí phách, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; sự lớn mạnh và trưởng thành của LLVT cách mạng miền Nam trong những ngày Tháng Năm lịch sử. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Lê Tuyết Nhi, Khối nữ Du kích miền Nam bộc bạch: “Khi đi diễu hành qua các con đường ở thành phố Điện Biên, rất nhiều người dân đã chào đón, cổ vũ chúng tôi, điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào, hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ du kích miền Nam nói riêng được lan tỏa, sáng đẹp hơn trong mắt của Nhân dân. Đây là kỷ niệm đẹp không thể phai mờ trong tâm trí của mỗi chị em chúng tôi”.
Thiếu tướng Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh Quân khu 7 trao bảng tượng trưng tặng Nhà tình nghĩa Quân – Dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Ảnh: Hữu Tân).
Hướng về Điện Biên Phủ, để tỏ lòng tri ân với cấp ủy, chính quyền, Nhân dân tỉnh Điện Biên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ kinh phí xây tặng 1 Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ và 80 căn Nhà đồng đội, Nhà tình nghĩa Quân - Dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên (trong đó Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ 10 căn, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 70 căn) với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Đồng chí Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: “Đây là những công trình hết sức ý nghĩa nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, đặc biệt là bà con các dân tộc trên địa bàn xã Thanh Minh nói riêng, chúng tôi cảm ơn những tình cảm hết sức ý nghĩa của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã dành cho bà con các dân tộc trên địa bàn”.
Khối nữ du kích miền Nam tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: Hữu Tân).
Ý nghĩa và bài học lịch sử về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - hào khí Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn vang vọng mãi, là động lực cho quân – dân ta nói chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7 nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng” nỗ lực trong làm chủ, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân và khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Bạch Thiết