Tháng 8/1950, chiến trường miền Đông Nam Bộ tổ chức lại để tiến tới tổng phản công. Khu 7 được mở rộng gồm các tỉnh Bà Rịa, Biên Hòa, Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một và Tây Ninh. Khu Sài Gòn - Chợ Lớn giải thể, thành phố Sài Gòn và một phần các huyện vùng ven thuộc tỉnh Gia Định như Thủ Đức, Gò Vấp, Trung Huyện tách ra thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sáng 16/9/1950, Chiến dịch Biên giới mở màn. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ về việc phối hợp với Chiến dịch Biên Giới, ngày 3/10/1950, Bộ Tư lệnh Khu 7 mở Chiến dịch Bến Cát (Chiến dịch Lê Hồng Phong). Đây là chiến dịch quy mô lớn, đầu tiên của bộ đội trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau hơn một tháng tiến hành (từ ngày 7/10 đến ngày 15/11/1950), Chiến dịch Bến Cát hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Các LLVT đánh tổng cộng 38 trận tiến công cứ điểm, 2 trận phục kích giao thông chặn viện, 43 trận đánh cơ giới, 2 trận chống càn và 204 trận đánh lẻ. Kết quả, diệt 509 tên, làm bị thương 155 tên, bắt sống 120 tên; đánh sập hàng chục tháp canh, đồn bốt, 12 cầu cống; phá hủy 84 xe quân sự, 5 đầu máy xe lửa, 7 thuyền máy và tàu đổ bộ; thu nhiều vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, đồ dùng quân sự, lương thực, thực phẩm…
Thứ nhất, từng bước xây dựng LLVT đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, ta tập trung gấp rút xây dựng bộ đội địa phương huyện từ du kích tập trung và một số đại đội độc lập, hoàn chỉnh hình thức LLVT địa phương ba cấp (bộ đội tập trung tỉnh, bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích). Theo yêu cầu “đẩy mạnh vận động chiến”, tiến tới tổ chức những trận đánh lớn phối hợp với Chiến dịch Biên Giới, Bộ Tư lệnh Nam Bộ giải thể các liên trung đoàn, thành lập bốn trung đoàn chủ lực mang phiên hiệu: Đồng Nai, Đồng Tháp, Cửu Long và Tây Đô.
Thứ hai, chú trọng nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu và khả năng tác chiến cho bộ đội; tiến hành các hoạt động quân sự có tính chất quyết định tạo ưu thế trên chiến trường. Căn cứ vào thực lực và tình hình chiến trường, Bộ Tư lệnh Khu 7 mở Chiến dịch Bến Cát. Thắng lợi của Chiến dịch không chỉ đạt mục đích tiêu diệt nhiều sinh lực địch, gây tác động tích cực phong trào chiến tranh Nhân dân trên toàn chiến trường, mà còn thể hiện bước trưởng thành về công tác tham mưu, trình độ chỉ huy, hoạt động phối hợp giữa bộ đội tập trung với các lực lượng tại chỗ. Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chỉ huy các lực lượng vận dụng linh hoạt nhiều hình thức chiến thuật. Đặc biệt, tiếp tục phát triển cách đánh tháp canh, khởi nguồn cho cách đánh đặc công. Chiến trường Đông Nam Bộ vinh dự là nơi khởi phát chiến thuật đặc công, nơi ra đời những chiến sĩ đặc công đầu tiên.
Thứ ba, tiến hành có hiệu quả công tác dân vận và huy động lực lượng tham gia hoạt động tác chiến. Trong Chiến dịch Bến Cát, LLVT miền Đông Nam Bộ đã thực hiện tốt việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền trên địa bàn. Đặc biệt, công tác dân vận được tiến hành rất hiệu quả, nhất là vận động Nhân dân nắm tình hình địch, bảo đảm bí mật, an toàn trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tính từ thời điểm chuẩn bị đến kết thúc chiến dịch, ta huy động hơn 3.000 dân công phục vụ công tác vận chuyển lượng thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, tải thương, cứu chữa và nuôi dưỡng thương bệnh binh... Trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, ác liệt về bom đạn, nhưng do làm tốt công tác giáo dục động viên, tổ chức chặt chẽ, chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu đựng gian khổ, khó khăn… nên dân công luôn tận tình phục vụ chiến dịch cho đến khi kết thúc thắng lợi.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ
Phó Chính ủy Quân khu 7