Một góc Côn Đảo
Các đoàn viên thanh niên Côn Đảo dâng hương tại lễ giỗ
Dưới cái nắng chang chang, gay gắt buổi trưa ngày hôm trước Lễ giỗ, dòng người nối nhau, chậm bước về Nghĩa trang Hàng Dương để dự lễ viếng. Màu áo xanh tình nguyện của các bạn đến từ Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và lớp trẻ Côn Đảo hôm nay chen lẫn với màu đen của những bộ bà ba cùng khăn rằn của những bà, những dì, những chị đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh; màu xanh cỏ úa của những bộ quân phục và những chiếc nón tai bèo của những cựu chiến binh và những cựu tù Côn Đảo… Tất cả tụ họp về đây như một nghĩa cử tri ân về bao liệt sĩ, bao chiến sĩ kiên trung đã quên thân vì Tổ quốc.
Đúng 16 giờ ngày 22/7, lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng tại sân hành lễ nghĩa trang Hàng Dương. 19 giờ, lễ đốt nến tri ân bắt đầu. Hơn 2000 ngọn nến được đốt lên theo hình bản đồ Tổ quốc. Hình ảnh Tổ quốc thiêng liêng thu nhỏ đang lung linh tỏa sáng trên đât thiêng Côn Đảo, như là sự truyền lửa của bao thế hệ đã oanh liệt ngã xuống cho lớp trẻ hôm nay nối bước tiền nhân, đoàn kết chung lòng tạo nên sức mạnh bảo vệ vững chắc từng tấc đất của biển trời quê hương.
Đến 12 giờ khuya, theo thông lệ hàng đêm của Côn Đảo từ trước đến giờ, lễ viếng Liệt sĩ Võ Thị Sáu được tiến hành tại phần mộ của người nữ anh hùng. Từng đoàn, từng đoàn lần lượt đến dâng hương hoa mộ Chị Sáu và các ngôi mộ của anh hùng liệt sĩ và người dân tại Khu B Nghĩa trang Hàng Dương.Trong màn đêm huyền bí và trong làn gió se se lạnh, những ngọn đèn cảm ứng lập lòe, những ngọn nến lung linh, những nén nhang rực cháy như những tia mắt sáng, càng làm cho cả Nghĩa trang Hàng Dương thêm ấm áp tình đồng chí, nghĩa đồng bào…
Đúng 9 giờ sáng ngày 23/7/2016 tức là ngày 20 tháng 6 âm lịch, Lễ giỗ lần thứ năm được tiến hành tại Đền thờ Côn Đảo. Sau phần khai mạc, chủ lễ Trịnh Văn Lâu tức Tư Cẩn – người đã từng làm Bí thư Đảng ủy Nhà tù Côn Đảo và các thành viên ban tổ chức gióng lên 9 tiếng chuông từ Đại hồng chung. Lần lượt mọi người đến thắp nhang vào đỉnh hương lớn trên sân và vào dâng hương ở Tiền đường và Hậu đường nơi có các tấm bia lớn ghi tên các liệt sĩ theo từng tỉnh, thành một… Buổi trưa, đám giỗ được tổ chức ngay tại Đền thờ Côn Đảo. Gần 50 mâm cỗ, mỗi mâm 10 người được dọn lên với những món ăn truyền thống của dân tộc như khổ qua hầm, thịt heo quay và trứng kho với nước dừa và cả những chiếc bánh bò, bánh ít, bánh tét mà các chị phụ nữ ở Bến Tre đem ra… được tất cả những người về dự giỗ đón nhận với rất nhiều cảm xúc: đau buồn khi nhắc nhớ đến những đồng đội, đồng chí đã hy sinh; vui mừng khi được gặp lại những chiến hữu đã từng đồng cam cộng khổ và sát cánh chiến đấu bên nhau ở nơi này và thắm thiết tình nghĩa đồng bào khi được cùng nhau về dự một đám giỗ lớn tại Côn Đảo…
Buổi chiều, các đoàn tiếp tục lên đường đi thăm các trại giam, các chuồng cọp, khu biệt lập chuồng bò, hầm đá… để có người được trở về những nơi mà mình đã cùng các bạn tù từng nếm trải một cuộc sống vô cùng khắc nghiệt nhưng vẫn luôn lạc quan với giai điệu “Bài ca hy vọng” của nhạc sỹ Văn Ký và luôn tin tưởng chắc chắn rằng sẽ đến ngày chiến thắng và nhiều người khác cũng được tận mắt nhìn thấy nơi được kẻ thù biến thành “địa ngục trần gian” mà không sách báo nào có thể mô tả hết được… Trong lòng những người về Côn Đảo hôm nay luôn ghi nhớ và mãi mãi tự hào về một thời chiến đấu hào hùng của dân tộc và ước mong có ngày được quay trở lại đúng dịp Lễ giỗ Côn Đảo đầy ý nghĩa vào ngày 20 tháng 6 âm lịch hàng năm.