Em đợi hoài em sẽ giận cho xem
Thư anh viết bao giờ anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ
Lính mà em!
Anh gửi cho Em mấy nhành hoa dại
Để làm quà không về được em ơi
Không dự lễ Nô- en cùng em được
Thôi đừng buồn em nhé,
Lính mà em!
Ngày nghỉ phép Anh cùng Em dạo phố
Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm
Em xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh mỉm cười rồi nói,
Lính mà em!
Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm
Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm
Anh che em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi không lạnh,
Lính mà em!
Anh kể em nghe chuyện trong này
Trăng đầu mùa không đủ viết thư đâu
Thư Anh viết chữ mờ nét vụng
Hãy hiểu dùm Anh nhé,
Lính mà em!
Ghét Anh ghê chỉ được tài biện hộ
Làm cho người ta thêm nhớ thương
Em xa lánh những ngày vui trên phố
Để nhớ người hay nói
Lính mà em !
Thơ: Phạm Tiến Duật
Tiễn anh lên đường...
Phạm Tiến Duật (1941-2007) sinh ra sinh ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Bài thơ “ Lính mà em” là một trong những bài thơ đặc biệt của ông viết về tình yêu đôi lứa, không còn chân thật, trần trụi như “ bom giật, bom rung, kính vỡ mất rồi”. Bài thơ là lời trách móc của cô gái và đó cũng là lời dãi bày của chàng trai để cô hiểu thêm về người lính .
. “Lính mà em” ba từ đơn sơ, mộc mạc, trong sáng mà cao quý cũng cho chúng ta hiểu được tình cảm của chính con người họ - không hoa lệ, mĩ miều nhưng chân thành chung thủy vậy mà người con gái trong bài thơ lại trách “ Em trách anh gửi thư sao chậm trễ”. Cõ lẽ cô gái ấy đã nghĩ rằng cô là duy nhất với anh. Đúng thế và cũng không đúng như thế. Trong tình yêu cô là duy nhất, nhưng khi anh khoác trên vai màu áo lính, anh cần một người hiểu anh hơn bao giờ hết “anh yêu em bằng con tim người lính / tình trong ngực và đất nước trên vai”. Bao nhiêu tình yêu thương, nỗi nhớ mong anh lưu vào trang giấy gửi cho cô, chỉ tiếc thay “Thư anh viết bao giờ anh muốn thế / Hành quân hoài đấy chứ”. Bởi lẽ “lính mà em”! Hay “ “Trăng đầu mùa không đủ viết thư đâu/ Thư Anh viết chữ mờ nét vụng”. Khó khăn là vậy, thiếu thốn là vậy .
Đời người lính có gì đâu ngoài chiếc ba lô, cái mũ cối, khẩu súng trường và đôi dép cao su. Hành trang họ mang theo là tinh thần chiến đấu và tình yêu, thứ tình yêu đó họ cất giấu ở sâu thẳm trái tim. Dù chiến đấu gian khổ, khốc liệt, dù có hi sinh họ cũng không thôi nhớ mong thứ tình yêu ấy, bởi lẽ đó là hậu phương, là nơi tiếp thêm sức mạnh chiến đấu của họ.
Ai cũng nói rằng lính khô khan, quen rồi điều lệnh 1, 2. Nếu ở thao trường họ hăng say chiến đấu tập luyện đến quên mình thì sau những phút mệt nhọc, vất vả ấy họ cũng hồn nhiên, yêu đời, lãng mạn.
“Anh gửi cho Em mấy nhành hoa dại
Để làm quà không về được em ơi
Không dự lễ Nô- En cùng em được
Thôi đừng buồn em nhé
Lính mà em!
Thanh xuân của họ cũng biết mơ mộng như những trai tráng khác: “Ngày nghỉ phép Anh cùng Em dạo phố / Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm”. Phạm Tiến Duật rất thấu hiểu tâm tư, tình cảm người lính. Dù gian khổ nhưng lúc nào tình cảm cũng dạt dào và chân thật.
“Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm
Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm
Anh che em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi không lạnh- Lính mà em”
Tình yêu mang theo nhịp bước quân hành
Với thể thơ tự do, giọng thơ vui tươi nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm, Phạm Tiến Duật đã cho bạn đọc hiểu thêm về những vất vả, khó khăn, thiếu thốn của người lính. Nhưng trên cả đó là dù trong gian khổ ác liệt, trong trái tim người lính vẫn rực sáng một “tình yêu” nồng nàn. Có lẽ chính vì vậy mà mà bài thơ luôn có chỗ đứng và được bạn đọc đón nhận.