Thời trẻ tận tâm cống hiến
Cựu chiến binh Lê Đình Tài quê ở xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 12-1972, mặc dù chưa đủ tiêu chuẩn về thể lực nhưng chàng thanh niên Lê Đình Tài vẫn xung phong nhập ngũ. Sau huấn luyện chiến sĩ mới, anh cùng đồng đội hành quân vào Quảng Bình, được biên chế về Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 (Quân khu 4). Đây là thời kỳ đầu mới thành lập, toàn sư đoàn khẩn trương thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tháng 2-1975, sư đoàn được lệnh hành quân vào chiến đấu ở chiến trường B2.
Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra, Sư đoàn 341 được lệnh dừng chân ở Binh trạm 15 (Tây Nguyên) làm nhiệm vụ dự bị cho chiến dịch. Một vinh dự lớn đến với Lê Đình Tài khi là một trong hai đồng chí tiêu biểu của Tiểu đoàn 5 được kết nạp Đảng ngay trên đường hành quân ra trận, vào ngày 18-3-1975. Trận chiến đấu đầu tiên trong đời quân ngũ của anh là tham gia đánh địch ở Đồi Tràn ngày 31-3-1975. Sau trận thắng này, đơn vị của Lê Đình Tài nhanh chóng cơ động chiến đấu qua những địa bàn như Dầu Giây, Long Khánh, Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa... đến ngày giải phóng miền Nam.
Sau ngày 30-4-1975, Lê Đình Tài cùng đơn vị làm nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn. Đến giữa năm 1977, bè lũ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary xâm chiếm biên giới, tàn sát đồng bào ta. Tháng 8-1977, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 được trên giao nhiệm vụ phối thuộc với Quân khu 9 chốt giữ và đánh địch ở Hà Tiên (Kiên Giang). Lê Đình Tài cùng đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trong trận đánh cao điểm Lục Sơn ngày 8-4-1978, Lê Đình Tài bị mảnh pháo găm vào vùng chẩm và một vết thương ở đỉnh đầu. Vì vết thương quá nặng, anh được chuyển thẳng về Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9). Sau thời gian điều trị, vết thương tạm ổn định, anh được chuyển về Tiểu đoàn 27 (thu dung) của sư đoàn để điều dưỡng. Tại đây, hội đồng giám định y khoa giám định thương tật, xếp anh là thương binh loại A với tỷ lệ 41%. Thế là nguyện vọng trở lại đơn vị chiến đấu không thể thực hiện, Lê Đình Tài được chuyển ra Bắc an dưỡng và giải quyết chế độ phục viên.
Tuổi trẻ với ý chí sục sôi chiến đấu nhưng lại không được ra trận, quyết tâm vượt lên thương tật, anh trình bày nguyện vọng tiếp tục được công tác, phục vụ cho các cơ quan dân sự. Xét nguyện vọng và điều kiện sức khỏe của anh, Ban chỉ huy Trung đoàn 270 đã cử cán bộ về cơ quan tỉnh Đồng Nai trực tiếp làm việc giải quyết chuyển ngành cho thương binh. Sau khi tiếp nhận đề xuất của đơn vị, tháng 12-1978, thương binh Lê Đình Tài được tỉnh Đồng Nai tiếp nhận về công tác tại Ty Thương nghiệp của tỉnh. Cuộc đời anh từ đây chính thức bước sang một hướng mới.
Vẹn nguyên tình yêu thương đồng đội
Được chuyển ra môi trường công tác mới, Lê Đình Tài luôn ý thức được trách nhiệm của một đảng viên, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ra sức học tập, công tác, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh được trên cử đi đào tạo ở Trường Trung cấp quản lý kinh tế Vũng Tàu. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, anh được bổ nhiệm chức danh Trạm trưởng kinh doanh tổng hợp của Công ty Kinh doanh thương mại vật liệu chất đốt, thuộc Ty Thương nghiệp tỉnh Đồng Nai. Là một người lính trải qua chiến tranh, anh thấu hiểu những hy sinh, mất mát, thiệt thòi của nhiều đồng đội. Chính vì vậy, trên cương vị công tác của mình, anh luôn quan tâm đến những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Anh đã giúp đỡ một số đồng chí thương binh, bệnh binh hoặc vợ, con một số đồng đội có việc làm.
Sau hơn 20 năm công tác, tháng 8-1995, ông Tài nghỉ hưu theo chế độ. Mặc dù sức khỏe ngày càng giảm sút nhưng ông vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông thành lập Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lê Hương Sơn và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lê Sơn Thịnh, chuyên đầu tư xây dựng dự án khu dân cư đô thị và công nghiệp. Là người năng động, ông tổ chức các hoạt động sản xuất, dịch vụ ngày một phát triển. Khi công việc thuận lợi, có thu nhập, ông quan tâm hơn đến đời sống của nhiều đồng đội. Ông tham gia vào Ban liên lạc CCB Sư đoàn 341 tỉnh Đồng Nai (nơi đơn vị từng đóng quân) và Ban liên lạc CCB Sư đoàn 341 tỉnh Hà Tĩnh (quê hương ông). Hằng năm, khi tổ chức các hoạt động của hội, ông đều tự nguyện đóng góp, hỗ trợ kinh phí. Đối với Ban liên lạc CCB Sư đoàn 341 toàn quốc, mỗi khi có những hoạt động quan trọng, ông đều có đóng góp, nhất là vào các dịp kỷ niệm lớn.
Tỉnh Đồng Nai là địa bàn Sư đoàn 341 đóng quân nhiều nhất, nơi có nhiều nghĩa trang liệt sĩ của sư đoàn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Đây cũng là địa phương diễn ra nhiều hoạt động của Ban liên lạc CCB Sư đoàn 341 như: Viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội. Những hoạt động đó thường được ông Tài quan tâm tài trợ chu đáo để anh em CCB đỡ vất vả. Ông tâm sự: “Đi qua chiến tranh, chúng tôi là những người may mắn được trở về. Nhưng còn rất nhiều đồng đội đã nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ. Vì thế, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với những đồng đội hy sinh và tri ân những đồng chí đã đóng góp một phần xương máu của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
CCB Lê Đình Tài không bao giờ quên những đồng đội từ ngày đầu nhập ngũ cùng đơn vị. Từ năm 2000 tới nay, mỗi dịp Đại đội 8, Tiểu đoàn 5 tổ chức gặp mặt, ông đều dành những suất quà tặng các đồng đội gặp khó khăn. Như trường hợp CCB Hồ Việt Thắng (Đại đội 8), gia đình hoàn cảnh gieo neo, thường xuyên đau yếu, được ông Tài hỗ trợ mua một chiếc xe bánh lốp để làm phương tiện sản xuất, nhờ có xe mà gia đình làm ăn khá hơn. Ông Lê Đình Tài không bao giờ quên những người thủ trưởng đã giúp đỡ mình trong những năm tháng tại ngũ. Kỷ niệm sâu sắc về một lần ông tổ chức cho anh em Đại đội 8 đến thăm Đại đội trưởng Lê Khắc Chín. Khi đến nhà, mọi người rất bất ngờ vì thủ trưởng cũ ốm đau lại nghèo khó, con trai vẫn còn nhỏ. Ông Lê Đình Tài thay mặt anh em đồng đội tặng quà thủ trưởng. Tất cả mọi người có mặt hôm đó phải kìm nén cảm xúc và linh cảm đó có thể là lần gặp cuối cùng rồi chia tay mãi mãi. Khoảng một năm sau, ông Lê Khắc Chín ra đi vì bệnh tim.
Hằng năm, các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, ông Tài thường gửi quà biếu các đồng đội và bà con khó khăn ở quê hương Hà Tĩnh. Ông luôn coi đây là những món quà tri ân thiết thực, ý nghĩa dành tặng đồng đội năm xưa. Mới đây, dịp 30-4-2022, về tham dự lễ kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam tại quê nhà, ông tặng quà các gia đình đồng đội khó khăn và 15 thân nhân liệt sĩ.
Đối với ông Lê Đình Tài, dù trong hoàn cảnh nào, trong môi trường công tác nào, ông cũng luôn ý thức được bản thân là một CCB của Sư đoàn Sông Lam anh hùng. Ông luôn giữ “chất lính” trong mình, hết lòng cống hiến, tri ân đồng đội, làm lan tỏa tình yêu thương con người trong cuộc sống hôm nay.