“Cả buổi tối cứ ngắm đi ngắm lại mấy tấm hình chụp một cậu bé lượm ve chai, xếp dép gọn gàng cho các bạn đang đi học ngoại khóa mà trái tim bị “rung rinh” mãi không thôi. Sự dễ thương của cậu bé đủ để đem niềm vui đến những người xung quanh”, Phạm Mỹ Ái (sinh viên ĐH Mở TPHCM) chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Trái ngọt
Mấy ngày nay, cư dân mạng lại “dậy sóng” với hành động đẹp của cậu bé Nguyễn Danh Thành Đạt, 5 tuổi (đang ở trọ cùng mẹ tại quận Thủ Đức, TPHCM). Đạt hiện không đi học, em theo mẹ lang thang khắp nẻo đường, lượm ve chai bán mưu sinh. Trong một lần cùng mẹ mưu sinh trên đường phố khu vực Nhà thờ Đức Bà, gặp một lớp mẫu giáo học ngoại khóa trên vỉa hè, thấy cô giáo cùng các bạn để dép lộn xộn, Đạt vui vẻ chạy lại, nhặt dép và xếp thành hàng cho ngay ngắn. Hành động vô tư ấy của Đạt đã được anh Phạm Nghĩa chứng kiến và chụp lại. Chỉ sau vài ngày anh Nghĩa đăng hình lên trang Facebook cá nhân, những tấm hình về Đạt đã nhận được hàng ngàn lượt thích, chia sẻ và bình luận.
Hành động đẹp của Đạt được lan truyền trong cộng đồng về sự tử tế. Ảnh: Nghĩa Phạm
Trần Kim Thư (sinh viên ĐH Hoa Sen) viết: “Nhìn tấm hình, nghe câu chuyện về hành động của em, chị bừng tỉnh. Bản thân chị đã bước sang tuổi 20 nhưng chưa một lần chủ đích xếp gọn gàng đôi dép của chính mình, chứ chưa nói đến xếp dép cho người khác. Qua hành động của em, chị kịp nhìn lại bản thân và bắt đầu đi tìm sự tử tế của chính mình. Chị tin em sẽ là một mầm ươm tốt nếu được nuôi dưỡng và phát triển”.
Quả thực hành động của Thành Đạt đã chạm vào trái tim mọi người, nhiều người đã ngỏ ý muốn giúp đỡ em. Có thể những món quà, những khoản tiền từ cộng đồng dành cho em và mẹ, rồi vài ngày bẵng đi, mẹ con em sẽ tự nhào nặn với khoản tiền “trên trời rơi xuống” ấy. Có thể khi có tiền, cuộc sống em sẽ thay đổi theo hướng tích cực hoặc tiêu cực bởi chẳng ai nói trước được điều gì. Thế nhưng lần này, từ hành động đẹp của em, mẹ em có việc làm, em được đi học, được khám bệnh miễn phí…, đó mới là trái ngọt thực sự.
Là người chứng kiến xuyên suốt câu chuyện, anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi không ngờ hành động đẹp của bé lại chạm đến cảm xúc của nhiều người đến vậy, rất nhiều trường ở TPHCM ngỏ ý nhận bé ăn học miễn phí. Tuy nhiên, do mẹ bé được một công ty ở Bình Dương nhận vào làm và thuê nhà trọ ở đó nên các cô hiệu trưởng đã liên hệ với nhau và tìm được ngôi trường thích hợp cho bé cũng như tiện đường mẹ đưa rước. Hiện Đạt đã nhập học, mẹ em đã bắt đầu buổi làm việc đầu tiên. Các cô giáo là người sẽ đi một hành trình rất dài để dạy dỗ bé. Tôi nghĩ, sự tử tế cứ thế nối tiếp sự tử tế, đây sẽ là một câu chuyện nhân văn cần lan tỏa trong xã hội hiện nay”.
Ươm mầm
Sự tử tế không phải là điều gì quá lớn lao, đôi khi nó chỉ là những hành động nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật. Đơn cử như nếu muốn được tính tiền trước vì lý do nào đó thì hãy mở lời với những người đang xếp hàng ở quầy thu ngân trong siêu thị thay vì chen ngang; sự tử tế là không hùa theo đám đông để mạt sát ai đó trên mạng xã hội; là tránh lối suy nghĩ mọi người cùng chạy xe lên vỉa hè, có thêm mình nữa cũng không sao…
Khi cán cân xã hội nghiêng nhiều về các vấn đề tiêu cực, các thông tin trên mặt báo, trên mạng phủ kín cái xấu thì người ta lại thèm được đọc những thông tin nói về sự tử tế. Để nó đứng đơn lẻ thì sự tử tế rất dễ bị lu mờ, vì vậy cần có sự lan tỏa để sự tử tế được tỏa sáng. Hiện nay, công cụ hữu hiệu nhất là internet. Ví dụ như câu chuyện về em Đạt, nếu chỉ anh Nghĩa nhìn thấy và cảm nhận được mà không chia sẻ lên mạng, cộng đồng sẽ không biết đến hành động của em để làm bài học cho chính mình. Hay nếu không có người vì thương cảm hoàn cảnh khó khăn nào đó rồi đưa lên trang cá nhân của mình để kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ thì sự tử tế cũng sẽ bớt đi một cơ hội bộc lộ. Do đó đã có nhiều chiến dịch, cuộc thi được mở ra vì điều này. Có thể kể đến là chiến dịch Tử Tế Là, cuộc thi Integrity Me - Sống liêm chính hay những lời kêu gọi cùng nhau sống tử tế với mình, với người xung quanh và xa hơn là với xã hội.
Nhiều bạn trẻ băn khoăn làm cách nào để rèn luyện sự tử tế? Trong một cuộc nói chuyện về vấn đề này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam từng nói, với thực trạng xã hội ở nước ta, hãy tạo nhiều không gian nhỏ, văn minh, tử tế. Ở đó, mọi người đều cư xử với nhau tử tế, dám lên tiếng bài trừ những hành vi xấu thì những người chưa tử tế sẽ phải tự điều chỉnh mình. Hãy thay đổi vì xã hội, đừng ngồi chờ xã hội thay đổi để kéo mình theo. Hãy coi sự tử tế là một nhân sinh quan, nó luôn hiện diện trong bản thân mình ở mọi hoàn cảnh, đừng để nó chỉ là một cơn sóng hay một trào lưu, nhanh đến nhưng cũng sớm tàn.
Nguồn: sggp.org.vn