Tháng 2/1969, đồng chí Thành được điều về Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị phụ trách Tập san Thông tin văn nghệ Quân giải phóng Phân khu 2. Đồng chí Thành cho biết: “Muốn có bài viết hay, phóng viên phải kề vai, sát cánh cùng sinh hoạt, chiến đấu với bộ đội. Lúc đó, mình mới hiểu hết tâm tư của bộ đội cũng như nắm bắt được diễn biến của trận đánh. Tập san phải phong phú các thể loại như tin, bài, thơ, văn, hình ảnh minh họa trong chiến đấu…. Để mỗi lần xuất bản, tập san được bộ đội yêu thích, đón đọc”.
Cuộc đời làm báo của ông đáng nhớ nhất là kỷ niệm Tập san Thông tin văn nghệ chuẩn bị xuất bản số tết Canh Tuất năm 1970. Các khâu xong chờ phát hành thì được lệnh chỉ huy yêu cầu phải thay đổi trang bìa. Do không có mực màu xanh, đỏ, vàng nên trang bìa được họa sĩ thiết kế cờ giải phóng in màu đen, trắng. Đây là tờ báo đặc biệt nên thủ trưởng quyết định dừng xuất bản để hoàn thiện màu cho lá cờ giải phóng. Đến khoảnh khắc giao thừa 30 Tết, Ban biên tập và nhà in vẫn cần mẫn tô màu. Vừa hoàn thành xong nội dung chỉnh sửa, Ban biên tập đưa đi phát hành trên 100 bản xuống tới các đơn vị. Rạng sáng mồng 1 Tết, quân bưu kết hợp giao liên đồng loạt đi phát hành. Đón nhận tờ tin đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị rất háo hức. Mọi người chuyền tay nhau đón đọc thuộc làu các bài viết và giữ gìn tờ báo cẩn thận như kỷ vật của bản thân. Có chiến sĩ ở đơn vị còn viết thư về cảm ơn Ban biên tập, làm chúng tôi rất vui khi sự nỗ lực, cố gắng của các thành viên được đền đáp.
Tháng 5 năm 1970, Mỹ - ngụy đánh phá căn cứ của ta ở biên giới Campuchia. Nhiều cơ sở cách mạng bị đánh phá. Ban biên tập và nhà in phải di chuyển vị trí, phương tiện in ấn bị hư hỏng và tiêu hao. Trước những khó khăn trên nhưng Ban biên tập vẫn quyết tâm không để tờ tin bị gián đoạn. Bộ phận in ấn tìm cách khôi phục các dụng cụ đã bị hư hỏng. Không còn máy in, bộ phận in ấn phải dùng máy đánh chữ gõ từng bài lên tờ giấy sáp. Dùng cây rừng để đóng khung vải làm khuôn in. Do làm thủ công nên việc phối hợp, căn chỉnh khuôn giấy phải phối hợp nhịp nhàng để bản sao không bị lỗi. Sau khi hoàn thành, mặt mọi người đầy nhọ đen như cô bé lọ lem nhưng ai cũng vui vì bản tin ra kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của bộ đội.
Vào ngày 20/12/1974, nhờ bám sát đơn vị nên đồng chí Thành lấy được đầy đủ tư liệu về trận đánh của Tiểu đoàn 1 Long An tiêu diệt gọn đồn Ba Dồn (An Thạnh – Bến Lức) và lực lượng địch ứng cứu giải tỏa tại Bình Đức, Bến Lức. Bài viết về trận đánh này của Tiểu đoàn được Ban biên tập đưa vào số báo đặc biệt Xuân Giáp Dần 1974 càng tăng thêm tinh thần, sĩ khí chiến đấu, vững vàng niềm tin chiến thắng cho bộ đội trên chiến trường Long An.
Đầu năm 1975, Ban biên tập và nhà in được lệnh gấp rút in số lượng lớn tài liệu phục vụ cho chiến trường. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, các bộ phận phải làm ngày, làm đêm. Để chống lại cơn buồn ngủ, các chị em trong tổ in ấn đi hái lá muồng vắt lấy nhựa để uống. Nhiều đồng chí bị ngộ độc phải cấp cứu. Sau khi khỏe lại, mọi người lại tiếp tục lao vào công việc. Nhờ đó, số lượng tài liệu được hoàn thành sớm hơn dự định. Số tài liệu này nhanh chóng được phát xuống Nhân dân để tuyên truyền cho mọi người hiểu và nhận thức rõ về đường lối, chính sách của cách mạng, góp phần cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy bị địch đánh phá nhưng từ năm 1968 – 1975, Ban biên tập vẫn ra được 21 bản tập san cùng nhiều tập thơ; tập gương người tốt - việc tốt và trên 50 bản tin.