Dự báo về xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm 2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương) cho rằng, dù rủi ro còn không ít, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao.., nhưng xuất khẩu hàng hóa cuối năm của Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Thị trường xuất khẩu thuộc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%.
Về xuất khẩu hàng hoá, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 295,23 tỷ USD, chiếm 88,0%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 113,58 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 292,57 tỷ USD, chiếm 93,7%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 sơ bộ xuất siêu 1,99 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.
Phương Vũ