Cô Lê Minh Ngọc, con liệt sỹ Lê Lai
Tôi đang chơi thì thấy mọi người cùng nhau chạy và hô: Lê Lai, tây tới ! Lê Lai, tây tới ! Dù chưa định hình được gì nhưng thấy ba tôi chạy nên tôi cũng chạy theo. Với dáng người cao lớn, ông vắt trên vai chiếc áo màu đen, tay cầm khẩu súng dài vừa chạy vừa ngoái cổ lại la lớn:Về với má đi con ! Về với má đi! Nhanh lên ! Tây nó đến!
Đó cũng chính là hình ảnh cuối cùng về người cha thân yêu mà mãi đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được. Rồi cũng từ đó tuổi thơ tôi lớn lên chỉ còn có má. Má tôi tần tảo thương yêu chăm sóc nuôi tôi khôn lớn. .
Đến 12 tuổi tôi được ra Bắc. Nhưng không phải bằng con đường tập kết, vì là đứa con duy nhất nên má tôi cứ dùng dằng, không muốn tôi đi. Khi không thấy con Lê Lai tập kết, các bác cho người về Sài Gòn động viên má tôi, và tôi đã được ra Bắc bằng chuyến tàu công khai cuối cùng từ Sài Gòn đi Hải Phòng rồi từ Hải Phòng về Hà Nội.
Tôi biết ơn ba má tôi đã có công sinh thành và nuôi tôi lớn lên trưởng thành như hôm nay. Tôi vô cùng biết ơn các bác, các cô, các chú những người đồng đội của ba tôi, đặc biệt trong đó là bác Ba Tô Ký (Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3), cô Năm Bi (Đại tá, Anh hùng LLVTND Hồ Thị Bi (1916 - 2011), nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM) và bác Bảy Chiêu (Đồng chí Phạm Văn Chiêu (16/6/1907 - 8/9/1991), nguyên Bí thưTỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định).
Khi ra Bắc tôi mới 12 tuổi, nhà trường yêu cầu học sinh khai lý lịch. Lý lịch ư ? Thật tình, tôi không biết viết gì ngoài dòng chữ ngắn ngủi cộc lốc: Cha là liệt sĩ Lê Lai, hy sinh năm 1948 - Bộ đội Tô Ký! Viết thế là theo lời dặn của má tôi.
Vậy mà với tấm lý lịch gọn lỏn đó, tôi được Nhà nước nuôi dạy ăn, học nên người. Với tấm lý lịch ấy tôi bước vào đời với tất cả niềm tự hào về sự hy sinh của người cha. Năm 1965 tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm rồi trở thành giáo viên. Năm 1969 tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng mà hai người xác nhận lý lịch kết nạp cho tôi là cô Năm Bi và bác Bảy Chiêu. Sau năm 1975 vào Sài Gòn tôi được Nhà nước bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục thành phố.
Vì không hình dung được mặt ba nên lúc nào tôi cũng ước mong có một tấm hình của ba. Thế là tôi viết thư cho bác Ba Tô Ký với hy vọng nếu bác Ba có hình của ba tôi thì gửi cho tôi. Thế rồi tôi mừng rỡ vô cùng khi nhận được thư tay của bác Ba trả lời. Trong thư bác Ba gửi cho tôi kèm theo một ảnh cắt ra từ tờ họa báo bên trong có hình một ông Liên Xô, phía dưới bác Ba ghi mấy chữ: “Ba con giống thằng cha này năm mươi phần trăm” .Tôi vừa bật cười lại vừa xúc động. Mặc dù không nhớ kỹ được hình hài ba tôi nhưng qua thư bác Ba tôi mường tượng được cha tôi có vóc dáng cao to, khỏe, mạnh. Tôi cầm tấm ảnh ngậm ngùi. Tôi biết bác Ba thương tôi lắm, một đứa trẻ như tôi lớn lên không có cha nên đã bác dành hết tình thương cho tôi, một đứa con của người đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường.
Sau khi nghỉ hưu tôi làm Phó Chủ tịch và Giám đốc Quỹ Khuyến học thành phố, công việc bận rộn không kém khi còn tại chức, nay đây mai đó rong ruổi khắp nơi cùng với anh, chị em góp phần chăm lo thế hệ tương lai cho đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình, dù làm gì ở đâu tôi, dù khó khăn gian khổ đến mấy tôi cũng tự nhủ mình ráng mà rèn luyện, phấn đấu làm việc cho tốt, giữ gìn phẩm hạnh cao quý của người đảng viên. Đó chính là sự đền đáp lớn lao đối với người cha yêu quý và là niềm tự hào của nhữngđứa con của Chi đội 12, Trung đoàn 312 một thời oanh liệt.