(QK7 Online) - Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, chiến thắng 30-4-1975 là một ngày lịch sử trọng đại, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 30 năm, thấm đẫm máu xương của hàng triệu người con ưu tú. Chiến thắng 30-4-1975 là đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam, làm nên lịch sử huy hoàng của thế kỷ 20.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay phấp phới trên dinh lũy cuối cùng của địch, dân tộc được giải phóng, đất nước được thống nhất từ Bắc chí Nam. Chiến thắng 30-4-1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dụng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam, là chiến thắng của nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hóa dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, đồng thời còn là sự ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Với mỗi người Việt Nam, ngày 30-4-1975 à một ngày lịch sử trọng đại.
Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón Quân giải phóng trong ngày 30-4-1975
Với đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út, ký ức về Chiến thắng 30-4-1975 vẫn còn mới nguyên trong tâm thức của người lính già này. Tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, đại tá Nguyễn Thành Út nằm trong đội hình Tiểu đoàn 307 với những chiến thắng lẫy lừng ở Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long Châu Hà.
Trong chín năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ 1945-1954, ông đã tham gia đánh 42 trận lớn nhỏ, dù ở hoàn cảnh nào ông vẫn luôn nêu cao tinh thần quả cảm mưu trí, luôn tiên phong dẫn đầu đơn vị vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1956.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, ông tập kết ra Bắc, công tác trong Quân chủng Phòng không - Không quân cho đến khi nghỉ hưu năm 1993. Nhớ về Chiến thắng 30-4-1975, trong ông vẫn ánh lên niềm tự hào mãnh liệt: “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì có gì vui bằng. Đối với tôi, điều sung sướng hơn cả, đó là đưa lực lượng không quân tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28/4, góp phần thúc đẩy cho địch đầu hàng để giải phóng miền Nam”.
Đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út trò chuyện cùng đồng đội năm xưa
Còn với ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Chiến thắng 30-4-1975 là một niềm vui, niềm hạnh phúc bất ngờ ngoài sự tưởng tượng: “Kết thúc cuộc chiến tranh 21 năm đối với riêng tôi hơi bất ngờ. Bởi vì chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với biết bao mất mát, hy sinh, nhưng lại kết thúc một cách trọn vẹn, giữ nguyên vẹn thành phố Sài Gòn vốn là sào huyệt của địch, nơi chúng sẽ cố thủ mà tôi hình dung trong đầu là phải giành giật từng con đường, góc phố… Nhưng không, chúng ta tiến vào thành phố như là một ngày hội”.
Ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định
Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ 4 của Đảng đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm vóc quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Thu Cúc