Trận lũ ống đi qua thị trấn Mù Cang Chải khoảng 20 phút nhưng đã cuốn trôi, làm hư hại nhiều nhà cửa, công trình.
Tính đến 17h chiều qua, theo báo cáo nhanh của các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, mưa lũ đã khiến 7 người chết, 27 người mất tích, 12 người bị thương.

Tan hoang sau lũ ống
|
Với những gia đình nhà bị sập, mất chỗ ở, bố trí cho người dân lên trú tạm tại các nhà công sở của huyện. Những gia đình có nguyện vọng đến ở nhà người thân, huyện sẽ bố trí phương tiện đưa bà con đến chỗ ở mới.
![]() |
Bí thư Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà vào tâm lũ chỉ đạo công tác xử lý, khắc phục hậu quả. Ảnh: M.C |
“Với những bộn bề như thế này, có lẽ phải vài ba ngày Mù Cang Chải mới dọn dẹp xong. Vấn đề lo lắng khác, đó là chuẩn bị năm học mới nên sẽ cần dựng trường sớm để các cháu kịp khai giảng năm học mới”, Bí thư Trà cho biết.
Theo Bí thư Yên Bái, tỉnh sẽ trích hỗ trợ cho các trường hợp bị chết 9 triệu đồng; các hộ gia đình có nhà bị cuốn trôi bước đầu 9 triệu đồng từ nguồn kinh phí ngân sách và các khoản hỗ trợ khác.
"Đây là trận lũ ống chưa từng có trong lịch sử xảy ra tại Mù Cang Chải. Mặc dù mấy ngày qua, Mù Cang Chải mưa không lớn như nước tích lại trên núi và ấp đến bất ngờ thành lũ ống”, bà Trà cho hay.
Hàng ngàn người tham gia khắc phục hậu quả
Từ sáng sớm, khoảng 700 ĐVTN và hơn 1.000 người thuộc các lực lượng dân phòng, công an, quân đội, các thầy cô giáo, và người dân địa phương đã có mặt tại “đại chiến trường lũ đá” thị trấn Mù Cang Chải, mang theo cuốc, xẻng, xà beng cùng nhau bốc vác đất đá, vét bùn và dọn dẹp thảm hoạ. Máy xúc cỡ lớn và xe tải liên tục từ chiều hôm trước đã chuyển đi cả ngàn khối đá mồ côi. Bộ đội công binh làm việc trắng đêm, dùng khoan xẻ đá vận chuyển ra khỏi hiện trường. Tất cả nỗ lực, chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả và khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Ưu tiên hàng đầu tìm kiếm nạn nhân
Phó Bí thư Huyện Đoàn Mù Cang Chải cho biết Huyện Đoàn tiếp tục huy động hàng trăm ĐVTN đến từ các xã trong huyện tham gia khắc phục thảm hoạ. Các đoàn cơ sở trên địa bàn thị trấn huy động tối đa nhân lực, và lượng tính sẽ phải liên tục bám hiện trường đến một tuần thì mới có thể cơ bản dọn xong bùn đất.
Bí thư Huyện ủy Giàng A Tông nói tiến độ khó có thể nhanh hơn vì địa hình dốc cao khiến xe vận tải lớn chưa có đường vào chỉ xe tải nhỏ tiếp cận bãi đá. Tính đến cuối ngày hôm qua, ước tính vẫn còn hàng chục ngàn khối đất đá ngổn ngang. Hàng trăm người được huy động đến hồ thủy điện Mồ Dề vớt gỗ, cây, bàn ghế trôi, đồng thời ứng trực tìm xác nạn nhân.

LLVT chung tay khắc phục hậu quả của lũ ống
Tại cuộc họp nhanh chiều qua tại Mù Cang Chải, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái – Phó Tư lệnh Quân khu 2, cho biết đã cử 220 cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316 - đơn vị có nhân lực và phương tiện tối ưu ứng cứu thảm họa, cam kết với lãnh đạo tỉnh Yên Bái nỗ lực cao nhất về nhân lực và phương tiện, sớm ổn định cuộc sống người dân và đặc biệt sửa chữa trường học cho các em nhỏ khi năm học mới đã đến gần. Chủ tịch tỉnh Đỗ Đức Duy cũng cho biết đang tiếp tục di dời nhiều gia đình sống khu vực ven suối nguy hiểm trên toàn địa bàn Mù Cang Chải và một số huyện khác. Ông cũng chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đưa nhân lực về các xã ngập lụt để tăng cường, hỗ trợ khắc phục mưa lũ.
Tính đến ngày 4/8, đã có 11 đoàn tập thể, cá nhân đến huyện hỗ trợ, giúp sức bằng tiền, gạo, vật dụng (400 triệu đồng, 400kg gạo, 32 thùng đựng, quần áo…) cho nhân dân bị nạn. Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên là lãnh đạo tỉnh Yên Bái, cũng đã gửi 30 triệu đồng về cho bà con quê núi.
Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Ngày 4/8, Thủ tướng có công điện yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc và các bộ ngành tập trung tìm kiếm nạn nhân mất tích, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Do mưa lớn những ngày qua, một số nơi ở miền núi phía Bắc xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở huyện Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái). Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Yên Bái và Sơn La tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm người còn mất tích; rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; chủ động khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân…
Thủ tướng cũng giao Bộ TN&MT khẩn trương hoàn thành việc điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét các vùng miền núi, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc làm cơ sở cho việc rà soát quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư, hạn chế thiệt hại do thiên tai.