Giàu truyền thống văn hóa
Với đường biên giới dài hơn 100km, Lộc Ninh tiếp giáp với huyện Sanuol, tỉnh Kratie và huyện Mimot, tỉnh Kampong Cham của Campuchia. Là huyện có nhiều di tích lịch sử gắn với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trên địa bàn huyện hiện có 6 di tích quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh, chiếm hơn 40% tổng số di tích được công nhận trên địa bàn tỉnh. Các di tích này có sự đa dạng về loại hình, giá trị và có nét đặc trưng, ghi dấu những sự kiện lịch sử của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Từ thời Pháp thuộc, Lộc Ninh nổi bật với cụm công trình kiến trúc liên quan đến thời kỳ cai trị và khai thác cao su của thực dân Pháp. Những công trình như: làng công tra, bệnh viện, nhà thờ... là minh chứng cho giai đoạn được xem là địa ngục trần gian của những phu cao su bị áp bức bóc lột dưới thời Pháp thuộc.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Lộc Ninh ghi dấu nhiều sự kiện, chứng tích có ý nghĩa to lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Lộc Ninh có căn cứ của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây còn là nơi diễn ra hoạt động trao trả tù binh, tiếp đón gần 3.000 đồng bào, chiến sĩ và nhân dân ta từ các nhà tù của Mỹ - ngụy trở về sau những năm tháng giam cầm. Các di tích lịch sử như: Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là minh chứng cho những trang sử đấu tranh hào hùng của quân và dân huyện Lộc Ninh.
Nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển
Là địa phương có hệ thống giao thông thuận lợi, quốc lộ 13 nối liền TP. Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư sang Campuchia, Lào và Thái Lan. Lộc Ninh có lợi thế đất đai rộng lớn, thế mạnh phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng chủ lực như điều, cao su, hồ tiêu. Nhiều công trình hồ đập, thủy lợi lớn nhỏ là lợi thế để phát triển nông nghiệp lúa nước, giúp điều hòa khí hậu và ổn định mạch nước ngầm. Đáng chú ý, với lợi thế đất đai rộng lớn, số giờ nắng cao, Lộc Ninh đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư lớn về điện năng lượng mặt trời.
Điều kiện tự nhiên, sông suối, thổ nhưỡng, khí hậu và hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo nên tầm quan trọng về mặt chiến lược của Lộc Ninh trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đây là những điều kiện thuận lợi cơ bản được huyện Lộc Ninh tập trung khai thác để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Ông Hồ Quang Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã và đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạng lưới trường học; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của nguồn năng lượng mặt trời, Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Lộc Ninh trên đà đổi mới và hội nhập
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bắt tay xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra quyết liệt. Nhân dân Lộc Ninh lại một lần nữa cầm vũ khí chống giặc với ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của phản động Pôl Pốt, đồng thời xây dựng được 1 tiểu đoàn làm nghĩa vụ quốc tế.
Trong năm 2021, toàn huyện giảm được 385 hộ nghèo, vượt kế hoạch tỉnh giao (tỉnh giao 240 hộ), đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 65 hộ, chiếm 0,2% tổng dân số toàn huyện, trong đó có 31 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 47,69%. Huyện đã triển khai chương trình vận động, hỗ trợ di dời chuồng, trại, điểm buộc gia súc gây ô nhiễm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; khởi công xây dựng 107/107 căn nhà đại đoàn kết theo chỉ tiêu tỉnh giao, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 85 căn, sửa chữa 21 căn, trị giá 630 triệu đồng.
Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao được phát huy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh. Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư.
Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường, củng cố, kiện toàn vững mạnh đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã linh hoạt, đổi mới trong lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đổi mới phương thức làm việc, lãnh đạo, điều hành thích ứng với điều kiện mới; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, công dân số. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác chuyển đổi số được quan tâm, chú trọng đầu tư.
Chung niềm vui, phấn khởi về những đổi thay của huyện sau 50 năm giải phóng, bà Thị Sa Pên ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh kể lại: Trước giải phóng, đời sống Nhân dân khổ lắm. Nay được Nhà nước quan tâm đầu tư đầy đủ về điện, đường, trường, trạm. Hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư đồng bộ, giúp nông dân có thể trồng 3 vụ lúa. Không còn cảnh thiếu ăn như trước giải phóng. Bà con ai cũng mừng.