Phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 khiến cuộc sống nhiều gia đình bất ngờ đảo lộn, nhất là những gia đình có con nhỏ. Để thích nghi với nhịp sống thời dịch, một số phụ huynh tích cực “vẽ” ra các trò chơi rèn luyện sức khỏe, giúp cả nhà nâng cao thể lực, vui sống tích cực.
Chăm sóc cây, đọc sách…
Vài ngày nay, anh Nguyễn Trung (khu phố 2, phường Tân Thới Hiệp, quận 12) luôn bận rộn. Sáng thấy anh chăm vườn lan trên mái nhà, chiều bắt sâu cho mấy khóm hoa trước sân.
Hàng xóm bắt gặp anh tăng cường tập thể thao vào thời gian rảnh - điều mà ít khi thấy trước thời điểm tổ dân phố thực hiện phong tỏa phòng chống dịch. Thêm nữa, bé Bông hơn 5 tuổi, con gái anh Trung, cũng thường xuyên theo ba tìm hiểu, chăm sóc cây cảnh.
“Ở nhà chỉ xem phim, chơi điện tử sẽ rất buồn, nên tôi kéo con gái tham gia tập thể dục, chăm sóc cây cho vui, cũng là để giết thời gian. Trẻ con mà ngồi một chỗ dễ ù lì lắm”, anh Nguyễn Trung tâm sự.
Anh Nguyễn Trung trò chuyện với con gái về niềm vui chăm sóc cây cảnh.
Chị Trần Ngọc Anh (đường Gò Dầu, quận Tân Phú) cho hay, gia đình chị làm nghề buôn bán nhỏ, nên cả hai vợ chồng đều bận rộn. Cả nhà chỉ gặp nhau vào buổi tối. Do giãn cách xã hội, khách đặt mua hàng ít hơn, nên hai vợ chồng có nhiều thời gian chăm 2 con nhỏ lần lượt 4 tuổi và 6 tuổi. Bọn trẻ nghịch ngợm, đứa đòi đi siêu thị, đứa khác muốn đi hồ bơi khiến vợ chồng chị Ngọc Anh nhiều lúc muốn nổi cáu.
Bình tĩnh lại, hai anh chị nghĩ cách chơi với bọn trẻ, lấy sách gắn kết tụi nhỏ. Lục tủ sách, chị Ngọc Anh tìm được Truyện tranh Doraemon, Công chúa Bạch Tuyết… để rèn bé lớn tập đọc. Bé nhỏ được ba rủ chơi trò trốn tìm, bịt mắt bắt dê…
Chiều tối, tiếng nhạc thiếu nhi rộn ràng phát ra từ ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thanh Hằng, nằm trong con hẻm sâu thuộc đường Quang Trung, quận Gò Vấp. Con gái chị (4 tuổi) đang mở phim Nữ hoàng băng giá và múa theo nhân vật Elsa và Anna mà cô bé mê mẩn.
Chị Thanh Hằng lạc quan nhìn nhận, sống tích cực sẽ giúp mọi người sớm vượt qua khó khăn trước mắt. Và gia đình chị đang cố gắng có những giây phút bên nhau thật lành mạnh và tràn đầy tình cảm trong những ngày dịch.
Tìm niềm vui an yên
Vẫn biết, “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 có thể kéo dài, nhưng không vì vậy mà người dân cảm thấy bi quan. Bằng chứng, trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội, rất nhiều bà con sinh sống trên địa bàn TPHCM động viên nhau tích cực đồng hành cùng các ban ngành TPHCM vượt qua dịch bệnh.
Cô Lê Kim Anh (67 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thị Căn, quận 12) cho hay, hàng xóm nhà cô làm đủ ngành nghề, gồm viên chức nhà nước, người lao động tự do, người buôn gánh bán bưng… Dịch Covid-19 khiến ai cũng khó khăn nhưng tình người vẫn luôn đầy ắp. Bà con sẵn sàng chia sẻ với nhau mớ rau, con cá, gói mì … Có người đi chợ thật sớm, mua thêm thức ăn để tặng cho bà con trong khu phong tỏa.
“Ở tuổi này, sáng sớm dậy tôi đi lại trong nhà, tập vài động tác cho khỏe người. Sau đó đọc sách, nấu ăn, chơi với cháu ngoại. Các con tôi cũng siêng năng rèn luyện sức khỏe hơn. Cuộc sống tuy chậm lại nhưng ấm áp, hạnh phúc”, cô Lê Kim Anh nói.
Anh Dương Trung Quân (ngụ đường Trường Sơn, quận 10) được công ty cho làm việc từ xa. Vợ anh Trung Quân - chị Ngọc Lan là giáo viên mầm non, cũng tạm nghỉ dạy do dịch bệnh lan rộng. Hai vợ chồng cùng đứa con sống chung với mẹ chồng trong ngôi nhà nhỏ, nên khá ngột ngạt. Rất may, trước khi làm việc ở nhà, anh Quân đã “làm công tác tư tưởng” với mẹ, nên bà cũng không khó tính như trước.
Tuy nhà nhỏ, nhưng bố trí gọn gàng, cùng 2 tầng lầu phía trên, giúp cả nhà sinh sống ổn thỏa. Chị Ngọc Lan chia sẻ rằng, tranh thủ lúc vắng người, chị cùng mẹ chồng đi dạo xung quanh công viên Lê Thị Riêng để hít thở không khí trong lành, rèn luyện sức khỏe. Theo chị Ngọc Lan, những ngày giãn cách xã hội giúp gia đình chị gắn kết với nhau hơn.
Trong khi đó, vợ chồng anh Ngọc Dũng (ngụ đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) tìm niềm vui trong những ngày dịch bằng cuộc thi nho nhỏ giữa 2 cậu con trai trong học làm việc nhà. Những chuyện đơn giản như quét nhà, rửa chén, gấp quần áo cất tủ hay tự dọn phòng ngủ được 2 cậu con trai tập làm trong những ngày ở nhà. Phần thưởng chỉ là món đồ chơi mới hay bộ sách, vậy thôi mà cả nhà tíu tít, rộn rã tiếng cười…
Dịch bệnh khiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn. Thay vì bi quan, nhiều người chủ động biến “nguy thành cơ”, tìm niềm vui an yên hiện tại. Nỗ lực rèn luyện sức khỏe, đọc sách, chăm cây… tận hưởng cuộc sống trong khả năng của mình chính là niềm vui nho nhỏ đầy năng lượng tích cực của mỗi người, mỗi gia đình.
Gia Bảo
Nguồn: sggp.org.vn