(QK7 Online) - Từ năm 2008 đến nay cùng với các địa phương trong quân khu, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một loại hình mới trong công tác cổ động, giáo dục, tuyên truyền về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Đó là “Hội trại tòng quân” diễn ra trước ngày giao quân hàng năm của các quận, huyện. Đây là một cách làm mới sáng tạo, góp phần thiết thực trong công tác giáo dục, cổ động tuyên truyền, thắt chặt tình quân dân cá nước, khơi dậy cho tuổi trẻ thành phố, thanh niên độ tuổi nhập ngũ niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước của quân đội.
“Hội trại tòng quân” còn là nơi để các thế hệ cầm súng đi trước truyền lửa cho tuổi trẻ bằng chính sự hy sinh cống hiến của mình trong quân ngũ; thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân đối với Tổ quốc; hội trại còn là nơi thanh niên nhập ngũ còn đón nhận những lời chúc mừng, dặn dò, nhắn nhũ, gữi gắm niềm tin của hậu phương.
Lãnh đạo quận chụp ảnh lưu niệm với thanh niên nhập ngũ.
Hội trại tòng quân do Cơ quan quân sự, Đoàn Thanh niên quận huyện làm nòng cốt phối hợp tổ chức. Do đó, nội dung chủ đề, tiêu chí và các hoạt động đều thể hiện không khí vui tươi, sinh động của tuổi trẻ với chương trình được thiết kế chặt chẽ, khoa học mang tính chất của hoạt động hội trại.
Năm nay và nhiều năm trước, chúng tôi cũng đã nhiều lần được tham quan, dự hội trại của các quận, huyện. Thực tế cho thấy, cùng với đầu tư cho trang trí lều bạt, cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu, thì các tiểu trại đều có bàn thờ Tổ quốc, ảnh chân dung Bác Hồ, bàn, ghế làm việc, nơi ăn, ngũ, nghỉ cho trại sinh ;100% tiểu trại ( do phường, xã, thị trấn xây dựng) đều được anh em vinh danh cho một tên gọi hết sức có ý nghĩa như Trại Võ Nguyên Giáp, Trại Thăng Long, Trại Chi lăng, Trại Bạch Đằng, Trại Nguyễn Viết Xuân, Trại Nguyễn Văn Trỗi .v.v. Đây chính là thông điệp, là lời nhắc nhở đối với thế hệ trẻ hôm nay hãy rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, sẳn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Thông thường, các đợt hội trại mỗi phường, xã, thị trấn có khoảng 35 đến 40 đoàn viên thanh niên và khoảng trên 50 thân nhân của gia đình và bạn bè có mặt dự trại. Trong thời gian hội trại có nhiều trò chơi bổ ích như, kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, thi nấu ăn, cắm hoa; thi tìm hiểu về truyền thống quân đội, truyền thống địa phương do Ban Chỉ huy hội trại các quận, huyện tổ chức; đồng thời các trại sinh là thanh niên trúng tuyển cũng được nhận các loại trang bị, quân phục theo quân, binh chủng mà mình phục vụ.
Thực tế cho thấy, hiệu quả của việc tổ chức “Hội trại tòng quân” ở thành phố không chỉ góp phần tuyên truyền cho thanh niên nhập ngũ mà còn góp phần tuyên truyền rộng rãi cho tuổi trẻ và nhân dân địa phương về lòng yêu nước, yêu quý quân đội, niềm tự hào về “Bộ đội Cụ Hồ”. Hội trại cũng đã góp phần tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm của nhân dân đối với hình ảnh của người lính trong thời bình. Hội trại cũng giúp cho cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn các cấp thể địa phương nhìn nhận đầy đủ hơn về sự quan tâm trong lãnh đạo, trách nhiệm trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tập trung nhiều hơn, hiệu quả hơn trong chăm lo chính sách hậu phương quân đội, giải quyết công ăn, việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự vv.
Có thể nói, ý nghĩa và tầm vóc của “Hội trại tòng quân” không chỉ giới hạn trong các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu, thăm hỏi, tặng quà, kể chuyện truyền thống hoặc là quản quân, mà nó còn thể hiện một nhu cầu lớn hơn về ý chí tinh thần, nơi hội tụ của lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của công dân.
10 năm “Hội trại tòng quân”, từ một mô hình của lần đầu chưa trọn vẹn, đến nay “Hội trại tòng quân” của Thành phố đã được nâng tầm, phát triển khá toàn diện cả về nội dung và hình thức đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm của thành phố./.
Hữu Mạo