(QK7 Online) - “Thực túc binh cường”, muốn bộ đội có sức khỏe tốt, yên tâm gắn bó đơn vị, trước hết công tác hậu cần phải bảo đảm tốt đời sống cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Thấm nhuần quan điểm đó, thời gian qua, Kho VK102, Cục Hậu cần Quân khu chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), chăn nuôi bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.
Chúng tôi đến thăm Kho VK102 những ngày đầu tháng 7. Mới đầu giờ sáng mà nắng đã chói chang. Tham quan khu tăng gia tập trung của đơn vị, trước mắt chúng tôi là một khoảng không gian màu xanh được bao phủ bởi những luống rau đang tươi non mơn mởn, xanh ngắt giữa nắng gió nơi đây.
Chiến sĩ Kho VK102 chăm sóc vườn rau.
Thiếu tá Minh Phương, Trưởng Ban Hậu cần Kho VK102 chia sẻ: “Địa bàn Kho đứng chân là vùng đất chua phèn của huyện Nhà Bè, TP.HCM, chịu ảnh hưởng nặng bởi triều cường, xâm nhập mặn, diện tích đất nền là đất cát san lấp. Trước đây, khu vực tăng gia không thể trồng trọt được gì vì đất bị nhiễm phèn và khô hạn, bạc màu. Nguồn nước bơm từ giếng khoan lên cũng bị phèn nặng. Để cải tạo đất, đơn vị phải lấy nguồn đất màu được vận chuyển từ Long An về bổ sung lớp đất mặt, cùng với đó là xử lý phèn bằng vôi bột, tăng lượng phân vi sinh và tích cực ủ các loại phân hữu cơ để bón cây; tận dụng các bồn chứa cũ, xây bể trữ nước mưa. Do vậy, để có được màu xanh như hôm nay là bao công sức của cán bộ, chiến sĩ Kho VK102”.
Với mục tiêu trồng rau sạch phục vụ bộ đội, kho áp dụng khoa học kỹ thuật ươm mầm, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học. Các loại giống được lựa chọn kỹ, có khả năng phòng, chống bệnh và cho năng suất cao. Tất cả quy trình được tổ chức theo đúng tiêu chuẩn của vườn rau sạch nhằm bảo đảm sản phẩm đến với bếp ăn của bộ đội được an toàn.

Thành quả tăng gia của cán bộ, chiến sĩ Kho VK102.
Với diện tích 2.500m2 đơn vị nỗ lực cải tạo, xây dựng khu vực tăng gia ngày càng quy củ. Vườn rau được thiết kế trong khung nhà lưới giúp hạn chế tác động của thời tiết, côn trùng. Đất trồng rau trộn phân hữu cơ, phân vi sinh luôn đảm bảo tơi xốp và được bố trí khoa học với nhiều loại rau, củ, quả trồng xen canh, gối vụ. Nhờ đó, vườn rau của đơn vị mùa nào, thức nấy luôn xanh tốt, đảm bảo 85-90% nhu cầu rau xanh cho đơn vị như: Rau cải, ngót nhật, hẹ, đậu bắp, bí, đậu cô ve và nhiều loại rau thơm gia vị khác.
Bên cạnh đó, Ban Hậu cần tham mưu cho Ban Chủ nhiệm kho chỉ đạo quy hoạch, xây dựng vườn, ao, chuồng quy mô hợp lý, tận dụng triệt để quỹ đất của đơn vị phát triển tăng gia, chăn nuôi, trồng trọt với 2.000m2 vườn trồng cây ăn trái xoài, mít, chuối; 700m2 mặt nước nuôi cá và 2.000m2 nuôi vịt, gà. Khu vực chăn nuôi tập trung được xây dựng kiên cố, tách biệt đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt của bộ đội.
Từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2022 đơn vị thu hoạch được hơn 15.000kg rau xanh; 2.500kg trái cây các loại; 300kg cá; 600kg vịt, gà nhập bếp đơn vị góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội.

Khu chăn nuôi của đơn vị.
Trung tá Lê Long Khương, Chính trị viên Kho VK102 cho biết: “Đảng ủy, chỉ huy kho có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, đặc biệt là công tác TGSX chăn nuôi nhằm tạo nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc, giữ ổn định và từng bước cải thiện đời sống bộ đội. Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của cấp trên, đơn vị nghiên cứu kỹ đặc điểm thổ nhưỡng, thực tế địa bàn để tổ chức quy hoạch, xây dựng kế hoạch TGSX, chăn nuôi từng năm và dài hạn; kết hợp chặt chẽ giữa trồng trọt và chăn nuôi; bố trí, điều chỉnh kịp thời cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp từng thời điểm, khí hậu, mùa vụ, dịch bệnh.
Theo đó, kho tích cực phát huy nội lực, triệt để tận dụng, cải tạo đất đai, ao hồ, đẩy mạnh phát triển mô hình vườn, ao, chuồng; chủ động liên hệ, phối hợp với Phòng Nông nghiệp trên địa bàn nhằm học hỏi, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt chăn nuôi; tham gia các lớp tập huấn để vận dụng kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị”.
Quỳnh Nhi