Với phương châm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, gần 12.000 cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tham gia tiêm vaccine, truy vết, test nhanh, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, phun khử khuẩn những nơi có nguy cơ cao nhiễm dịch bệnh… Thông qua cuộc chiến chống dịch Covid 19, có thể khẳng định, càng trong gian khó, trận địa tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh càng được củng cố vững chắc.
Ngay trong cuộc họp đầu tiên của Quân ủy Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Trong nhiệm vụ phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm họa hay nói đúng hơn là phòng chống các thách thức “an ninh phi truyền thống”, Quân đội không nên sử dụng hai chữ “giúp dân”, vì “giúp” thì chỉ là “sức đến đâu giúp đến đó”, trong khi Quân đội thì phải coi việc đối phó với các thách thức đó như một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đặc biệt trong thời bình”. Đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến hết sức cam go, phức tạp và đầy căng thẳng. Đây là một loại giặc vô hình, được coi là một mối đe dọa an ninh phi truyền thống vì nó có thể tấn công con người bất cứ đâu làm cho tình hình kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
LLVT tỉnh lên đường tăng cường tuyến đầu phòng, chống dịch.
Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Long An là một tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, xã hội với số ca nhiễm covid 19 tăng cao. Đối mặt với sự lây lan diện rộng của đại dịch nếu không kiểm soát được thì tính mạng của Nhân dân gặp nguy hiểm. Đối mặt với kẻ thù không thể nhìn bằng mắt thường, một trận chiến không ranh giới, trước sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh xác định rõ nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử của mình - là lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ đón nhận nhiệm vụ mới với tinh thần, tâm thế quyết tâm chiến đấu cao nhất “chống dịch như chống giặc”. “Ở đâu có giặc là ta cứ đi, ở đâu Nhân dân cần là ta lại đến”, cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng gác lại phía sau tất cả, để đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, bởi đơn giản “Bộ đội cụ Hồ” là bộ đội của dân, do dân, vì dân.
Chiến sĩ LLVT tỉnh vận chuyển thực phẩm giúp các khu cách ly, phong tỏa trong đại dịch.
Bằng tình cảm trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tạo được sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân và cấp ủy chính quyền địa phương. Sự đồng thuận đó phát huy được sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến chống dịch. Nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm gửi tặng các trang thiết bị y tế, nước uống, lương thực, thực phẩm tặng cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Ngoài ra, những tấm lòng hảo tâm còn chung sức cùng LLVT tỉnh bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong những ngày thực hiện chỉ thị “ai ở đâu, ở yên ở đó”. Những tình cảm của Nhân dân dành tặng cho LLVT tiếp thêm niềm tin, động lực và ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ chiến thắng đại dịch. Điều đặc biệt hơn nữa là ngoài việc ủng hộ vật chất, Nhân dân trên các địa bàn biên giới đã thể hiện tinh thần “chia lửa” với cán bộ, chiến sĩ BĐBP bằng nhiều cách rất thiết thực.
Có thể nói rằng, nhiệm vụ PCD Covid-19 là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, được xác định là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, gian khổ. Song với quyết tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị có ý nghĩa quyết định đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
1. Thực hiện triệt để sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp về phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời bổ sung chủ trương, biện pháp quyết tâm vừa chống dịch, giúp dân hiệu quả, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nắm, dự báo chính xác tình hình, không để bị động bất ngờ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, giữ vững ANCT, TTATXH. Kịp thời điều chỉnh, rà soát các phương án SSCĐ phù hợp với tác động ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống.
2. Nắm chắc tình hình, phát huy vai trò tham mưu đề xuất những chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh đưa mọi hoạt động trở về trạng thái bình thường mới. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ “chống dịch, cứu dân”, không sợ hiểm nguy gian khổ, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ; tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; định hướng, tạo dư luận tích cực.
3. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống dịch, giúp đỡ Nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần; làm tốt công tác chính sách, thi đua, khen thưởng; xây dựng nội bộ đoàn kết thống nhất cao.