Công ty CP Thép Pomina tiền thân là nhà máy thép Pomina 1, được thành lập từ năm 1999. Ngày 17/8/1999, nhà máy thép Pomina chuyển thành Công ty TNHH Thép Pomina với vốn điều lệ 42 tỷ đồng.
Đến năm 2010, doanh nghiệp này được niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã cổ phiếu là POM.
Hiện tại, Pomina đang có 3 nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất 2,6 triệu tấn và khoảng 1.100 lao động. Trong đó, công suất luyện phôi thép 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng đạt 1,1 triệu tấn.
Chiến lược của hãng thép có trụ sở tại Bình Dương là tập trung ở phân khúc trọng điểm thép xây dựng và tập trung tại thị trường trọng điểm miền Nam.
Pomina từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn từ 2000 đến 2010. Công ty đã từng giữ vị thế dẫn đầu nhờ vào quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại và năng lực sản xuất vượt trội trong lĩnh vực Thép xây dựng.
Tuy nhiên, việc gặp phải những vấn đề về tài chính và vận hành, làm giảm khả năng cạnh tranh cũng như biến động giá nguyên liệu và nhu cầu thép xây dựng trong nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của hãng thép này.
Pomina hiện đang sở hữu 3 nhà máy với tổng công suất 2,6 triệu tấn/tấn
Hiện tại, cổ phiếu POM đang giao dịch trên sàn UPCoM nhưng bị hạn chế, chỉ được giao dịch vào thứ sáu hàng tuần. Kết phiên 10/1, cổ phiếu POM của Pomina giảm 100 đồng, về 2.100 đồng/cổ phiếu, thủng đáy lịch sử.
Mới đây, bà Đỗ Hoài Khánh Linh, Uỷ viên HĐQT Thép Pomina đã không bán ra cổ phiếu POM trong tổng số 150.000 cổ phiếu đăng ký bán trước đó. Vì vậy, sau thời gian đăng ký giao dịch từ ngày 19/12/2024 đến ngày 15/1/2025, bà Linh vẫn sở hữu 542.811 cổ phiếu, tương ứng 0,19% vốn điều lệ tại Pomina.
Lý giải việc không giao dịch cổ phiếu dù đã đăng ký bán, bà Linh cho biết do giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2024, Pomina ghi nhận doanh thu hơn 488 tỷ đồng nhưng giá vốn cao hơn doanh thu, chi phí lãi vay cao đột biến khiến doanh nghiệp lỗ hơn 286 tỷ đồng.
Hãng thép có địa chỉ tại Bình Dương này đã thua lỗ liên tục từ quý 2/2022 đến nay. Sau 9 tháng đầu năm nay, công ty lỗ hơn 791 tỷ đồng. Tính đến này ngày 30/9, Pomina lỗ lũy kế hơn 2.356 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu (còn hơn 508 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Pomina đạt 9.353 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm nay.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng dở dang với hơn 5.700 tỷ đồng, đều nằm ở chi phí xây dựng lò cao và lò EAF (gồm chi phí mua sắm máy móc thiết bị và xây dựng dự án lò cao, lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại khu công nghiệp Phú Mỹ, trong kỳ tài chính này chưa kết chuyển thành tài sản). Hàng tồn kho giảm mạnh xuống còn khoảng 460 tỷ đồng; tiền mặt chỉ còn 16 tỷ đồng.
Thua lỗ kéo dài khiến vốn chủ sở hữu của Pomina bị ăn mòn, trong khi nợ vay ngày càng gia tăng. Tại ngày 30/9, nợ phải trả tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, lên mức 8.844 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 6.220 tỷ đồng, chủ yếu vay ngắn hạn với 5.500 tỷ đồng, không thay đổi quá lớn sau một quý.
Lý giải về việc thua lỗ, lãnh đạo Pomina cho biết nguyên nhân xuất phát từ chi phí tài chính cao, đặc biệt là chi phí lãi vay. Gánh nặng lãi vay của Pomina diễn ra trong bối cảnh các nhà máy lớn như Pomina 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Pomina 1 (Bình Dương) vẫn ngừng hoạt động.
Để cải thiện tình hình, doanh nghiệp thép này cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư nhằm tái cấu trúc và khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Thúy Hà