Phối cảnh sân bay Gia Bình.
Theo UBND TP.Hà Nội, thành phố đã cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về hướng tuyến, quy mô và phương án đầu tư.
Theo phương án được chốt, tuyến đường có chiều dài gần 50km, trong đó đoạn qua địa phận Hà Nội dài hơn 28km, gồm 8km tuyến mới hoàn toàn và 20,54km đi trùng với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Vành đai 3 và đường cầu Tứ Liên. Đoạn qua Bắc Ninh dài khoảng 22 km, kết nối từ sân bay Gia Bình, đi qua thị trấn Gia Bình, huyện Lương Tài, thị xã Thuận Thành trước khi vào Hà Nội.
UBND TP.Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh thống nhất phương án xây dựng tuyến đường với bề rộng 120m, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các trục giao thông quan trọng của Thủ đô như Vành đai 3, Quốc lộ 5, đường nối cầu Giang Biên - Vĩnh Tuy - Vành đai 2 và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Đặc biệt, hai địa phương cũng đang nghiên cứu không gian phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi 300-400m để tận dụng quỹ đất, phát triển hạ tầng đồng bộ và gia tăng giá trị bất động sản khu vực. Ngoài ra, UBND Hà Nội và Bắc Ninh cũng đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị chạy song song với tuyến đường này để phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong tương lai.
Sân bay Gia Bình là một trong những dự án hạ tầng quan trọng của Bắc Ninh, được Bộ Công an khởi công xây dựng vào tháng 12/2024. Sân bay này nằm trên địa bàn xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, với tổng diện tích 125ha, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Theo kế hoạch ban đầu, đây sẽ là sân bay trực thăng cấp 3, quân sự cấp 3 và dân dụng cấp 3C. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất đưa sân bay Gia Bình vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc, nâng quy mô lên 363,5ha, tức tăng khoảng 250ha so với giai đoạn đầu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu các bộ ngành liên quan và tỉnh Bắc Ninh xem xét, đánh giá phương án bổ sung sân bay Gia Bình vào hệ thống cảng hàng không quốc gia, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực phía Bắc.
Việc xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đô thị dọc tuyến. Bắc Ninh, vốn là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của miền Bắc, sẽ có thêm lợi thế về hạ tầng giao thông, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực logistics, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hàng không.
Về phía Hà Nội, tuyến đường này giúp giảm áp lực giao thông cho sân bay Nội Bài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Đông thành phố, đặc biệt là các quận huyện Gia Lâm, Long Biên và Đông Anh.
Bảo Minh