Mối đe dọa thuế quan từ ông Trump Trong khi thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với Trung Quốc đã giảm phần nào kể từ nhiệm kỳ trước đó của ông Trump, thâm hụt với các nhà xuất khẩu châu Á khác lại tăng đáng kể và có thể bị giám sát chặt chẽ hơn, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương Andrew Tilton của Goldman, cho biết.
"Với việc ông Trump và một số người có khả năng được bổ nhiệm tập trung vào việc giảm thâm hụt song phương, nguy cơ thâm hụt gia tăng có thể thúc đẩy Mỹ áp thuế đối với các nền kinh tế châu Á khác", ông nói.
Thuế nhập khẩu là loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu, nhưng quốc gia xuất khẩu không phải trả. Các công ty nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thuế này, làm tăng chi phí của họ.
“Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và đặc biệt là Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng thương mại lớn với Mỹ”, Tilton nhận xét.
Đồng thời, ông nói thêm rằng vị thế của Hàn Quốc và Đài Loan phản ánh “đặc quyền” của họ trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trong khi Việt Nam được hưởng lợi nhờ chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc.
Năm 2023, thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ được báo cáo đạt mức kỷ lục 44,4 tỷ USD, mức thặng dư lớn nhất với bất kỳ quốc gia nào. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ô tô chiếm gần 30% tổng xuất khẩu sang Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ trong quý đầu năm 2024 cũng đạt mức cao kỷ lục là 24,6 tỷ USD - tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng trưởng lớn nhất đến từ các sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị nghe nhìn.
Trong khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ từ tháng 1 đến tháng 9 đạt 90 tỷ USD.
Ngoài ra, Ấn Độ và Nhật Bản cũng là 2 quốc gia châu Á khác có thặng dư thương mại với Mỹ. Thặng dư của Nhật Bản vẫn tương đối ổn định còn thặng dư của Ấn Độ tăng ở mức vừa phải trong những năm gần đây, Goldman Sachs tiết lộ.
Ông Tilton dự kiến trong tương lai, các đối tác thương mại châu Á này có thể tìm cách giảm các khoản thặng dư và "tránh sự chú ý" bằng nhiều biện pháp, chẳng hạn như tăng cường nhập khẩu từ Mỹ khi có thể.
Anh Mai