Từ sự khẳng định về chân lý lịch sử đó và từ quyền của mỗi người, của mọi người, trong Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh “suy rộng ra” để nâng lên tầm cao mới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây là điều đặc sắc. Hồ Chí Minh với tầm nhìn thời đại, vượt lên trên các bản tuyên ngôn trước đó tư tưởng về nhân quyền - quyền của mỗi người nâng lên thành quyền dân tộc. Chính điều này mà Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 thể hiện giá trị thời đại sâu sắc. Bởi, nó không chỉ là bản tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam, mà trở thành tuyên ngôn về quyền độc lập, tự do của tất cả các dân tộc bị áp bức, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đây thực sự là một văn bản pháp lý rất hiện đại, một đạo luật mới của Nhân dân thế giới, khẳng định quyền tự do, độc lập, bất khả xâm phạm của các dân tộc trên thế giới, kể cả những dân tộc nhỏ, yếu, đang bị áp bức.
Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy, kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất đe dọa nền độc lập dân tộc khi bản Tuyên ngôn độc lập ra đời là quân xâm lược Pháp. Để vạch trần tội ác tày trời của chúng trong vòng 80 năm qua, đồng thời làm phá sản hoàn toàn âm mưu của chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra hệ thống lý lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục và cách lập luận hùng hồn: “Vậy mà hơn 80 năm, thực dân Pháp đã bất chấp lẽ phải ấy, chúng lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để nô dịch nhân dân ta. Hành động của chúng là sự chà đạp lên chân lý, trái với đạo lý và chính nghĩa, đi ngược lại những lời tuyên ngôn mà cách mạng Pháp đã đề ra ”. Cách dẫn chứng như trên thể hiện sự khéo léo và kiên quyết. Bởi vì, con ngưòi có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng dưới chế độ thực dân phong kiến các quyền trên đã bị tước đoạt. Xuất phát từ thực tế quyền con người và quyền lợi đương nhiên của dân tộc Việt Nam bị tước đoạt hàng trăm năm, bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra bản chất tàn bạo, dã man của thực dân Pháp, lột mặt nạ “khai hóa”, “bảo hộ” để thực hiện hành trình đi xâm lược, đàn áp, bóc lột của chúng trước Nhân dân thế giới. Do vậy, bản cáo trạng đanh thép đó giúp Nhân dân ta thấu hiểu hơn nguyên do của sự đói khổ, đau thương là chính sách lừa bịp, đàn áp, bóc lột dã man của chế độ thực dân, phát xít. Từ đó, tận dụng thời cơ “có một không hai” - Nhật đầu hàng Đồng minh, bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay Nhân dân, lập nên Nhà nước độc lập, tự do của dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây thực sự là thành quả vĩ đại của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chúng ta đánh đổ xiềng xích của thực dân gần 100 năm để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập và đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ Dân chủ cộng hòa.
“Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời kết thúc bản Tuyên ngôn khẳng định đanh thép ý chí, quyết tâm của dân tộc, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ thành quả quý giá, lớn lao nhất, đó là: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại của một dân tộc, quốc gia độc lập. Tư tưởng đó củng cố ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi cho nền độc lập, tự do trọn vẹn ấy của dân tộc. Nhờ đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kiên trì thực hiện cuộc trường chinh 30 năm (1945 - 1975) đầy hy sinh, gian khổ và anh dũng để chiến đấu đánh bại hai tên đế quốc lớn - Pháp và Mỹ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tiếp đó, lại kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó chính là ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi nền độc lập, tự do trọn vẹn cho dân tộc khẳng định trong Tuyên ngôn, được cụ thể hóa bằng tinh thần bất diệt: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; bằng chân lý lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, sự phức tạp của tình tình thế giới và khu vực, nhất là các điểm nóng về tranh chấp chủ quyền quốc gia... không thể không có sự nhúng tay của chủ nghĩa đế quốc. Những giá trị lịch sử và vạch thời đại của Tuyên ngôn độc lập, đó là: Thống nhất độc lập dân tộc với tự do, hạnh phúc của Nhân dân; đồng thời giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thống nhất biện chứng quyền con người với quyền dân tộc, đặt cơ sở khoa học và nền móng pháp lý cho công cuộc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân - dân là gốc; khẳng định quyền tự quyết và thể hiện quyết tâm cao nhất của mỗi dân tộc trong đấu tranh giữ gìn độc lập dân tộc... cùng với tinh thần đấu tranh không mệt mỏi và không khoan nhượng cho độc lập, tự do của dân tộc và quyền sống, quyền hạnh phúc của con người, của Nhân dân và dân tộc Việt Nam.
Để giữ vững quyền độc lập, tự do theo tư tưởng của Tuyên ngôn, trong tình hình hiện nay, cần tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, cần quy tụ hơn 90 triệu người Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng lãnh đạo, để khơi dậy ý chí, khát vọng của dân tộc, ra sức phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện, cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, gắn với kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Quá trình đó phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân; trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Tư tưởng về quyết tâm sắt đá để bảo vệ nền độc lập, tự do trong Tuyên ngôn đòi hỏi chúng ta phải tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, có sự chuẩn bị chu đáo về “tinh thần và lực lượng” để lo giữ nước “từ sớm”, “từ xa”. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng LLVT cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đến nay đã tròn 75 năm nhưng vẫn sẽ và mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam. Chính thời gian càng làm cho Tuyên ngôn sâu đậm thêm những giá trị lịch sử và tính hiện thực, tiếp tục định hướng cho dân tộc Việt Nam kiên định phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.