Mấy ngày nay, câu chuyện về thanh niên Phạm Thái Sơn, 24 tuổi, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng nhập ngũ trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trước khi lên đường nhập ngũ, anh Phạm Thái Sơn là Tổng giám đốc Tổng công ty Bình An chuyên về lĩnh vực công nghiệp đóng tàu với khối tài sản nghìn tỷ. Không chỉ quản lý một doanh nghiệp có khối tài sản lớn, anh Sơn cũng vừa hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ ngành tài chính và đang chờ nhà trường sắp xếp lịch bảo vệ.
Những thanh niên ưu tú háo hức lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Chuyện nhập ngũ của anh Sơn khiến chúng ta suy ngẫm nhiều điều. Trước hết, thực hiện nghĩa vụ quân sự là quyền và nghĩa vụ hết sức thiêng liêng của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Vì thế, việc anh Sơn cũng như hàng nghìn, hàng vạn thanh niên gác lại những chuyện riêng của mình dành thời gian để cống hiến tài trí cho Tổ quốc, cho nhân dân cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, điều rất đáng bàn chính là từ điều kiện, hoàn cảnh và địa vị xã hội của anh Phạm Thái Sơn. Bởi, nếu trong điều kiện đó, không ít người sẽ tìm cách để được đưa mình vào diện tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng với Phạm Thái Sơn thì lại khác. Anh Sơn cho rằng: “Chúng tôi là thanh niên được sống và học tập trong thời kỳ đất nước hòa bình, ổn định và phát triển. Cũng như bao thế hệ thanh niên khác, tôi nhận thức rõ việc lên đường nhập ngũ là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi cao quý. Vì vậy, trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng tôi là phải giữ vững và phát huy truyền thống, bảo vệ Đảng, Nhà nước và cuộc sống hòa bình của nhân dân”.
Việc tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ những năm gần đây được các địa phương tiến hành chặt chẽ, với nhiều cách làm hết sức sáng tạo, hiệu quả. Vì vậy, các địa phương không chỉ đủ về số lượng theo chỉ tiêu được giao, mà chất lượng thanh niên nhập ngũ cũng ngày càng cao. Tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ trở thành nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở từng địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn diễn ra rất nhiều điều đáng bàn. Đặc biệt, tình trạng thanh niên trốn tránh hoặc viện dẫn đủ lý do để được đưa vào diện tạm hoãn vẫn diễn ra ở các địa phương. Không ít ông bố, bà mẹ lợi dụng vị trí công tác của mình can thiệp vào việc để con em mình không phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Những trường hợp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự tuy không nhiều nhưng cũng đã tác động tiêu cực đến nhận thức và trách nhiệm của thanh niên. Điều đó càng cho thấy, việc anh Phạm Thái Sơn cũng như rất nhiều thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ đáng quý và trân trọng biết nhường nào.
Quý là bởi trong dòng chảy của kinh tế thị trường khi mà giá trị vật chất trong nhiều trường hợp được không ít người đặc biệt coi trọng, thì những người như anh Phạm Thái Sơn lại thấy rất đỗi bình thường. Cái giá của sự coi trọng vật chất trong thực tế cuộc sống không ít người đã phải trả rất đắt, thậm chí là vô cùng đắt.
Trân trọng là bởi, anh Phạm Thái Sơn cũng như những thanh niên lên đường nhập ngũ đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình với đất nước.
Giá trị của một con người không phải ở việc người đó học ở đâu, làm việc gì, có bao nhiêu tiền, mà là con người đó cống hiến thế nào cho sự nghiệp chung. Hay nói cách khác, đó chính là giá trị của trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, đối với nhân dân.
LÊ LONG KHÁNH
Nguồn: qdnd.vn