Tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Úc, chi phí nhà ở tăng nhanh - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dung (CPI) - đang cản trở việc các ngân hàng trung ương giảm lạm phát xuống gần mức mục tiêu. Điều nguy hiểm là người lao động sẽ yêu cầu mức lương cao hơn nữa để đối phó với tình trạng chi phí sinh hoạt tăng, khiến cuộc chiến lạm phát càng căng thẳng hơn.
Kết quả là, động lực giảm phát từng phổ biến vào năm ngoái gần như đã bị đình trệ ở một số nền kinh tế phát triển. Điều này khiến thị trường tài chính ít tin vào việc lãi suất sẽ giảm, như ở Mỹ, hoặc cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng, như ở Úc.
Úc: Giá thuê nhà gây áp lực lên lạm phát
Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại công ty AMP ở Sydney, cho biết: “Giá thuê nhà, giống như lạm phát, là một chỉ số có độ trễ của chu kỳ kinh tế và sẽ là một trong những chỉ số cuối cùng giảm xuống”. Ông Oliver cho biết, vấn đề này diễn ra không đồng đều tại từng khu vực, thường ít xảy ra hơn ở châu Âu và tệ hơn ở những quốc gia có chương trình nhập cư nhanh chóng và tình trạng thiếu nhà ở.
Úc đang sở hữu cả hai tiêu chí khiến thị trường nhà cho thuê trở nên đắt đỏ hơn. Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) Michele Bullock hôm thứ Ba (7/5) cho biết tình trạng nhập cư mạnh trong những năm gần đây “chắc chắn đã tăng áp lực lên thị trường nhà ở và ảnh hưởng đến giá thuê nhà”. RBA, trong bản cập nhật dự báo kinh tế hàng quý được công bố cùng ngày, cho biết lạm phát tiền thuê nhà dự kiến sẽ “vẫn ở mức cao” cho đến ít nhất là giữa năm 2026.
Phil Odonaghoe, nhà kinh tế tại Deutsche Bank, cho biết sự suy giảm lạm phát cơ bản ở Úc kể từ đầu năm 2023 đã “đột ngột dừng lại”, một phần do chi phí thuê nhà tăng cao. Dữ liệu từ công ty tư vấn bất động sản CoreLogic trong tuần này cho thấy giá thuê trung bình ở Úc đạt mức cao kỷ lục là 627 đô la Úc/một tuần vào tháng 4, tăng 8,5% so với một năm trước.
So với một năm trước, lạm phát tiền thuê nhà đã tăng 7,7% trong ba tháng đầu năm 2024, vẫn ở mức cao nhất trong vòng 30 năm mà RBA đặt mục tiêu lạm phát. Nếu không bao gồm chỉ số nhà ở, CPI hàng năm của Úc là 3,2% - nằm trong tầm mục tiêu 2 đến 3% của RBA.
Vương quốc Anh: Giá thuê nhà tăng 20%
Giá thuê nhà tăng vọt cũng là một vấn đề lớn đối với các gia đình ở Anh và là vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào cuối năm nay.
Giá thuê nhà ở Vương quốc Anh – đã tăng 1/5 kể từ năm 2022 – hiện đang tăng với tốc độ kỷ lục sau khi chi phí thế chấp cao khiến những người mua tiềm năng phải quay trở lại thị trường cho thuê, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung xuất phát từ nhiều thập kỷ đầu tư nhà ở yếu kém tại quốc gia này. Theo một phân tích, giá thuê dự kiến tại Vương Quốc Anh sẽ tăng 13% trong 3 năm tới, vượt xa tốc độ tăng lương.
Tuy nhiên, Ngân hàng Anh (BOE) vẫn còn vấn đề khác cần phải lo lắng. Thống đốc Andrew Bailey và các đồng nghiệp của ông đã tập trung vào tăng trưởng tiền lương và lạm phát dịch vụ, vốn vẫn còn là vấn đề quá nóng. Nếu những số liệu trên hạ nhiệt, cùng với lạm phát hàng hóa đã ở mức dưới 1%, chúng có thể cân bằng chi phí thuê nhà ngày càng tăng và đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Tera Allas, Ggiám đốc nghiên cứu và kinh tế tại tập đoàn McKinsey ở Anh, cho biết: “Giá thuê giữ vai trò quan trọng trong CPI, vì vậy, nếu chúng tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn mục tiêu của BOE, rõ ràng chúng sẽ gây thêm áp lực về giá”.
Các nhà kinh tế dự báo BOE sẽ giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 16 năm là 5,25% vào thứ Năm (09/05), trong khi các nhà đầu tư đang quan sát liệu các nhà hoạch định chính sách có coi tháng 6 hay tháng 8 là cơ hội để bắt đầu cắt giảm lãi suất hay không.
Hoa Kỳ: Giá thuê nhà tăng nhanh gấp 1,5 lần tốc độ tăng lương
Chi phí thuê nhà vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi các quan chức chờ đợi cơ hội để giảm chi phí đi vay. Tiền thuê nhà chiếm khoảng 1/3 CPI, và là một trong những yếu tố thúc đẩy giá cả lớn nhất. CPI cơ bản, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, đứng đầu dự báo trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 3/2024, một phần do giá thuê nhà tăng.
Chủ tịch FED Jerome Powell kỳ vọng việc giảm chi phí thuê nhà sẽ ảnh hưởng tích cực đến CPI, từ đó cho phép các nhà hoạch định chính sách giảm lãi suất tại một thời điểm nào đó
FED đang đưa ra lãi suất ở mức cao hơn trong 2 thập kỷ, đồng thời phát tín hiệu sẽ cắt giảm khi lạm phát được kiểm soát. Các nhà giao dịch chứng khoán hiện đang đặt cược vào việc FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần ở mức 25 điểm cơ bản trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Powell có thể phải chờ đợi. Theo một cuộc khảo sát của FED New York công bố hôm thứ Hai, kỳ vọng của các hộ gia đình về sự thay đổi của giá thuê nhà đã tăng mạnh so với năm ngoái, với chi phí thuê nhà dự kiến sẽ tăng 1,5 điểm phần trăm lên 9,7% trong năm tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: “Nhà ở là một vấn đề thực sự ở Hoa Kỳ do thiếu hụt trầm trọng nhà ở giá rẻ và một phần là do lãi suất cao. Điều đó nói lên rằng, tôi thực sự tin tưởng - tôi nghĩ rất có thể - rằng chi phí nhà ở, vốn đang đẩy lạm phát lên cao, sẽ giảm xuống.”
Theo Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại Santander US Capital Markets, mặc dù lạm phát có thể giảm dần từ thời điểm nay, nhưng khó có khả năng sẽ hạ nhiệt đáng kể. Ông nói: “Nếu dự báo này là chính xác thì FED sẽ nỗ lực hết sức để đưa lạm phát cơ bản trở lại mức 2%”.
Theo một phân tích của Zillow Group, giá thuê nhà ở hầu hết các khu vực đô thị lớn của Hoa Kỳ đã tăng nhanh hơn khoảng 1,5 lần so với tiền lương trong 4 năm qua.
Trên toàn nước Mỹ, giá thuê tăng 30,4% trong khi thu nhập tăng 20,2% từ năm 2019 đến năm 2023, dữ liệu từ Zillow, StreetEasy và Cục Thống kê Lao động cho thấy. Bang Florida, một điểm nóng về di cư tại Mỹ, có một số khu vực đã chứng kiến giá thuê nhà tăng nhanh hơn gấp 3 lần so với tiền lương.
Lam Vy (Tổng hợp)