Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2023, ngành thép sản xuất được khoảng 20 triệu tấn thép thô. Nhờ đó, Hiệp hội Thép thế giới đã xếp hạng công nghiệp thép Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về sản xuất thép thô; đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 11,1 triệu tấn sắt thép vào năm 2023, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,35 tỷ USD, tăng 4,5%.
Trong đó, xuất khẩu sang EU chiếm gần 23% tổng lượng thép xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,55 triệu tấn, tăng 86,2% so với năm 2022, kim ngạch đạt hơn 1,89 tỷ USD, tăng 29%. Xuất khẩu sang các thị trường Italia, Bỉ và Tây Ban Nha đều tăng mạnh trong giai đoạn này.
Năm 2023, xuất khẩu sang EU chiếm gần 23% tổng lượng thép xuất khẩu của cả nước, đạt 2,55 triệu tấn
Tại Việt Nam, thép là một trong 6 ngành đầu tiên chịu tác động trực tiếp của cơ chế carbon biên giới EU (CBAM).
Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký VSA cho biết, khi bắt đầu manh nha có cơ chế CBAM, các doanh nghiệp ngành thép đã bắt đầu tiến hành tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế này với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Các doanh nghiệp như Tôn Phương Nam, thép Hòa Phát và một số doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu sang EU đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon.
“Đến nay, VSA đã cơ bản hoàn thiện dự thảo lộ trình trung hòa carbon từ nay đến năm 2050 phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó làm tài liệu hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong ngành có chiến lược cũng như kế hoạch cần thiết để chuyển đổi xanh và ứng phó kịp thời với CBAM”, ông Thái nhấn mạnh.
Thép là một ngành công nghiệp then chốt, sử dụng các công nghệ hiện đại, với chi phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, ngành thép muốn chuyển đổi để thích ứng với cơ chế như CBAM hay chuyển đổi xanh thì phải có những bước đi phù hợp, với tầm nhìn tương ứng.
Thời gian tới, để thích ứng với CBAM, các doanh nghiệp ngành thép mong muốn sớm được Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, đồng thời, có những cơ chế đặc thù cho ngành thép Việt Nam để chuyển đổi xanh cũng như sản xuất bền vững.
VSA đề nghị các doanh nghiệp trong ngành xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh đến năm 2050, phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Bộ Công Thương có những giải pháp cụ thể, giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thép thích ứng với cơ chế CBAM, từ đó, giúp doanh nghiệp có những sản phẩm thép xanh cung ứng ra thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn để tiếp tục chinh phục thị trường EU.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (gọi tắt là CBAM) là một cơ chế mới, với những quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến kiểm đếm, đo đếm phát thải CO2, phát thải khí nhà kính mà doanh nghiệp phải tuân thủ khi xuất khẩu hàng hóa sang EU. Tại Việt Nam, 6 ngành chịu ảnh hưởng của CBAM gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. |
Thúy Hà