Kích hoạt phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam
Từ sau Hiệp định Genève được kí kết, trước hành động ngang nhiên xé bỏ Hiệp định, sử dụng bạo lực phản cách mạng để khủng bố, trấn áp nhân dân miền Nam, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam bộ tại Hội nghị tháng 10-1954, các tỉnh Nam bộ tiến hành khôi phục căn cứ địa, tái thành lập LLVT cách mạng. Từ các căn cứ địa mới được khôi phục, các đơn vị vũ trang chủ động bung về từng thôn ấp vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, bảo vệ cán bộ và tổ chức các trận tiến công quân sự. Tại miền Đông Nam bộ, đó là các trận đánh ở Minh Thạnh (Thủ Dầu Một) ngày 10-8-1957, ở Trại Be (Biên Hòa) ngày 10-9-1957, Ở Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một) ngày 11-8-1958, ở Nhà Xanh (Biên Hòa) ngày 7-7-1959, ở Bến Củi đêm 2-12-1959. Tại miền Trung Nam bộ, là các trận đánh ở Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (Kiến Phong) ngày 26-9-1959, ở Ruộng Lới, Gò Gôn (Kiến Tường) tháng 11-1959, ở khu vực Nam - Bắc lộ 4 trong những năm 1958, 1959. Tại miền Tây Nam bộ, là các trận diệt đồn địch ở Cái Tàu, Rạch Cui, Chà Là, Đầm Dơi (Cà Mau), ở Xẻo Rô (Rạch Giá) ngày 30-10-1959, ở các địa phương khác như Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh. Tại Sài Gòn - Gia Định, ở khu vực ngoài thành, đó là các trận đánh diễn ra trên quốc lộ 1, cầu Tân Thuận, Rạch Ông, bót Bà Chòi... Tại Trung bộ, đó là các cuộc đấu tranh của người Jarai ở Gia Lai (tháng 5-1958), người Chăm H’roi ở Phú Yên (tháng 8-1958), người Ba Na ở Bình Định (từ tháng 2 đến tháng 4-1959), người Raglai ở Ninh Thuận (tháng 3 và tháng 4-1959).
Ngày 14-11-1959, Bí thư Xứ ủy Nam bộ Nguyễn Văn Linh nhận được điện thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nội dung cơ bản của Nghị quyết 15 với luận điểm cơ bản “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Ngày 17- 11-1959, tại Trảng Chiên (Tây Ninh), Xứ ủy Nam bộ tổ chức hội nghị mở rộng chủ trương: “Đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền nhằm thiết thực hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng…”. Trong bối cảnh phong trào cách mạng miền Nam đang ở đỉnh điểm của thời khắc “tức nước vỡ bờ”, hoạt động đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị bùng phát ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), Mỏ Cày (Bến Tre) và Tua Hai (Tây Ninh). Các sự kiện ấy như những “phát súng hiệu lệnh”, kích hoạt phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam.
Cung cấp ba “loại hình” đồng khởi
“Phát súng hiệu lệnh” Trà Bồng, Mỏ Cày, Tua Hai diễn ra tại ba địa bàn khác nhau, ba thời điểm khác nhau và với ba hình thức đồng khởi khác nhau.
Trà Bồng là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, dân cư phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh lực lượng chính trị phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số đang sẵn sàng nổi dậy, đến trước khởi nghĩa, đã có 3 đơn vị vũ trang tập trung. Ngày 28-8-1959, nhân dân và LLVT xã Trà Quân nổi dậy chặn đánh các cuộc càn, bao vây bức rút đồn bót, diệt ác trừ gian, lật đổ chính quyền cơ sở, đốt cháy các cứ điểm quân sự của địch. Phương thức tiến công của Quảng Ngãi là kết hợp sự nổi dậy của đông đảo quần chúng với hoạt động tác chiến của các đơn vị vũ trang tập trung.
Mỏ Cày nằm ở phía Nam tỉnh Bến Tre. Đến cuối năm 1959, tỉnh vẫn chưa có LLVT tập trung. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc “phát động quần chúng khởi nghĩa vũ trang tiến công bằng quân sự, chính trị, binh vận vào đồn bót, trụ sở tề giành chính quyền ở cơ sở trên toàn tỉnh”, sáng 17-1, các tổ hành động tại xã Định Thủy áp sát diệt tên Tổng đoàn dân vệ, cùng thanh niên ập vào làm chủ căn cứ quân sự của địch. Tiếp đó, nhân dân với “Đội quân tóc dài” làm chủ lực tổ chức “tản cư ngược”, đấu tranh trực diện. Phương thức tiến công của Bến Tre là sử dụng lực lượng đấu tranh chính trị nổi dậy, cùng với lực lượng binh vận tạo áp lực, lấy súng của địch để xây dựng LLVT và đấu tranh vũ trang.
Tua Hai (tháp canh số 2) là căn cứ của Trung đoàn 32, Sư đoàn bộ binh 21 quân đội Sài Gòn, nằm án ngữ trên lộ 22 từ Sài Gòn lên biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngoài 1 trung đoàn bộ binh, nơi đây thường có các đơn vị về huấn luyện với 1 kho súng lớn. Từ tháng 12-1959, công tác chuẩn bị tổ chức trận tập kích căn cứ Tua Hai được triển khai. Lực lượng tham gia trận đánh gồm Đại đội 60, Đại đội 59, Đại đội 70, Đại đội 80 Đặc công miền Đông Nam bộ, 1 trung đội địa phương tỉnh Tây Ninh, 1 trung đội bộ đội Bình Xuyên theo cách mạng, cộng chung khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ cùng 300 dân công của 2 huyện Châu Thành, Dương Minh Châu. Được sự phối hợp của cơ sở nội tuyến trong đó có người giữ kho súng, 0g45 phút ngày 26-1-1960, các đơn vị vũ trang tập trung của miền Đông Nam bộ và tỉnh Tây Ninh đồng loạt tiến công, diệt và làm bị thương hàng chục tên, thu hơn 783 súng các loại. Phương thức của Tây Ninh là tổ chức cuộc tiến công quân sự lớn nhằm mở đường, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Giới thiệu mô hình kết hợp “ba mũi giáp công”
Lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, lực lượng quân sự và đấu tranh quân sự, lực lượng binh vận và đấu tranh binh vận vốn ra đời từ trong quá trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đề ra đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện, tiến công quân địch trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị và binh địch vận.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đuờng lối và phương pháp cách mạng miền Nam lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu, tránh bộc lộ lực lượng để giữ gìn lực lượng cách mạng. Cuộc nổi dậy ở Bến Tre, Trà Bồng, Tua Hai thực hiện thành công sự phối hợp giữa các lực lượng chính trị, quân sự, giữa các hình thức đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận. Từ đó, lực lượng chính trị, quân sự, binh vận đồng thời phát triển, phối hợp hoạt động nhịp nhàng. Nội dung của ba mũi giáp công chính là kết hợp mọi lực lượng, mọi biện pháp, mọi hình thức đấu tranh, kết hợp khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng, kết hợp đòn tiến công quân sự với hoạt động binh vận và nổi dậy của quần chúng cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Như vậy, cuộc nổi dậy ở Mỏ Cày, cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng và cuộc tập kích ở Tua Hai đã cung cấp một mẫu hình về chủ động phát động nhân dân nổi dậy đấu tranh chính trị, tiến công quân sự và binh vận, phát triển thành phương châm 2 chân (quân sự - chính trị) và ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận). Mẫu hình ấy được vận dụng có hiệu quả trên toàn chiến trường miền Nam trong các nhiệm vụ chiến lược, chiến dịch và chiến đấu suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tạo bước ngoặt lớn của cách mạng miền Nam
Sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt sau các sự kiện ở Trà Bồng, Mỏ Cày, Tua Hai và cao trào đồng khởi diễn ra sau đó, cách mạng miền Nam dần chuyển sang một thời kỳ hoàn toàn khác trước.
Tổ chức Đảng được phục hồi. Nếu năm 1959, số đảng viên của Đảng bộ Nam bộ chỉ còn 7.641 người, thì đến cuối năm 1960, Đảng số lên tới 12.946 (chưa kể số lượng đảng viên ở Sài Gòn - Gia Định, Tây Ninh và huyện Bến Cát của Thủ Dầu Một). LLVT các cấp hình thành. Tính chung cả miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ, bộ đội các khu có 4 tiểu đoàn (2.494 người), bộ đội tỉnh có 14 đại đội và 11 trung đội (3.369 người), bộ đội và du kích huyện có 86 trung đội và 17 tiểu đội (4.058 người). 9.024.348 lượt người nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch tại 895 xã (trong tổng số 1.193 xã); LLVT tuyên truyền đã tác chiến trên 2.000 trận, diệt 6.154 tên.
Cũng từ đồng khởi, hàng loạt sự kiện lịch sử lớn xuất hiện. Ngày 20-12-1960, tại Tân Lập (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15-2-1961, tại Chiến khu Đ, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức làm lễ ra mắt. Cùng thời gian, trên chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ, tổ chức quân sự theo lãnh thổ được tái thành lập, gồm Quân khu 7 (T1 - Đông Nam bộ), Quân khu 8 (T2 - Trung Nam bộ), Quân khu 9 (T3 - Tây Nam bộ), Quân khu Sài Gòn - Gia Định (T4 - gồm thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và các huyện vùng ven), Quân khu 6 (T6 - cực Nam Trung bộ). Và, trước sự phát triển của cách mạng miền Nam kể từ đồng khởi, chế độ Sài Gòn lâm vào tình trạng khủng hoảng. Ngày 11-11-1960, một nhóm sĩ quan quân đội Sài Gòn đảo chính, mở đầu cho hàng loạt cuộc đảo chính dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm và tiến trình khủng hoảng của chính trường miền Nam sau đó.
Như vậy, cao trào đồng khởi xuất phát từ cuộc nổi dậy ở Mỏ Cày (Bến Tre), cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) và cuộc tập kích quân sự ở Tua Hai (Tây Ninh) góp phần quan trọng đưa cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng.