Đồng hành với chương trình, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đồng Nai phối hợp với Hội LHPN tỉnh Kon Tum thực hiện được 2 năm 2018-2019 tại xã Đăk Nhoong (Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) được đánh giá cao.
Kết nối và sẻ chia
Vượt chặng đường hơn 600 km từ Đồng Nai lên Kon Tum, đoàn công tác Hội LHPN tỉnh Đồng Nai như quên hết mệt mỏi, hòa vào tình cảm chân thành của quân dân vùng phên dậu của đất nước trong các hoạt động của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Đăk Nhoong (Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan cho hay, chương trình nhằm huy động cộng đồng, toàn xã hội chung tay kết nối, sẻ chia và đồng hành với phụ nữ, trẻ em nghèo vùng biên giới, hải đảo, nhất là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống.
Chị Y Hạnh, Chủ tịch hội phụ nữ xã Đắk Nhoong cho biết: “Bà con dân tộc thiểu số trong xã rất vui mỗi khi có các đoàn công tác về xã. Hội phụ nữ tỉnh Đồng Nai không chỉ truyền thông năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, tặng quà cho chị em, học sinh nghèo, đồng bào dân tộc mà còn hòa mình trong chương trình văn nghệ, tạo niềm vui nên đồng bào ưng cái bụng lắm”.
Cùng bảo vệ chủ quyền biên giới
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum Nguyễn Thị Liên cho biết, Đăk Nhoong là một trong 5 xã biên giới của tỉnh được Hội LHPN và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020. “Những kết quả chương trình mang lại đều có sự chung tay đóng góp của 3 đơn vị kết nghĩa gồm: Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, Hội LHPN TP. Hà Nội và Ban gia đình xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam”.
Theo bà Liên, điều quan trọng nhất, Hội liên hiệp phụ nữ Đồng Nai và các đơn vị kết nghĩa đã hỗ trợ những mô hình sinh kế, hướng dẫn bà con biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. “Nhờ vậy, đến nay cả 13/13 xã biên giới trên địa bàn Kon Tum đã xóa hoàn toàn hộ đói; hộ nghèo theo chuẩn mới, góp phần nâng cao đời sống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn và cùng chung tay góp phần bảo vệ chủ quyền biên cương, cột mốc của Tổ quốc”, bà Liên nhấn mạnh.
Phó Chính ủy Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, Đại tá Lê Minh Chính cho biết, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum hiện đang quản lý đường biên giới có chiều dài trên 290 km; có 13 xã biên giới với dân số chiếm trên 60% tổng dân số của tỉnh. Ngoài chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các xã biên giới như “Nâng bước em đến trường” đã hỗ trợ 76 học sinh dân tộc thiểu số được đi học; đã khảo sát được 16 trẻ em đặc biệt khó khăn, mồ côi, không nơi nương tựa để nhận đỡ đầu trong chương trình “Con nuôi của bộ đội Biên phòng”.
Em Y Chi, con nuôi của Đồn Biên phòng Đăk Nhoong vui mừng bày tỏ: “Các chú bộ đội Biên phòng chia sẻ với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cho con cơm ăn, áo mặc, dạy cho con cái chữ và tạo điều kiện để con được đến trường…”
Theo Đại tá Lê Minh Chính, mô hình hiệu quả nhất hỗ trợ đồng bào các xã biên giới là nuôi bò sinh sản. “Chỉ riêng địa bàn xã Đăk Nhoong, bộ đội Biên phòng đã hỗ trợ 40 bò sinh sản đến nay đã tăng lên 85 con cùng tiền dịch vụ bảo vệ môi trường rừng đã giúp đồng bào cải thiện, nâng cao đời sống và đặc biệt góp phần cùng bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng phên dậu của Tổ quốc”.
Với những kết quả thiết thực, sau gần 2 năm thực hiện, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần tích cực trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ nói riêng, người dân các xã vùng biên giới, tạo chuyển biến trong việc giảm nghèo, nâng cao đời sống, chung tay xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.