Trải qua 44 năm, lực lượng BĐBP Bình Phước đã khẳng định được vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng trên khu vực biên giới. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống BĐBP (3-3-1959 - 3-3-2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2019), phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm.
PV: Thưa đồng chí, những việc làm của BĐBP đã để lại dấu ấn tốt đẹp, góp phần tích cực vào duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với nước bạn Campuchia và nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới tỉnh Bình Phước như thế nào?
Đồng chí NGUYỄN VĂN TRĂM: Nói về những việc mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã làm được để lại dấu ấn tốt đẹp thì điều đầu tiên chúng ta có thể thấy rõ là các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, với vai trò là lực lượng chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, BĐBP đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì mối quan hệ tốt với nước láng giềng.
Bên cạnh đó, tôi đánh giá cao lực lượng BĐBP trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên khu vực biên giới, nhất là buôn lậu, buôn bán người và ma túy. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh còn là lực lượng đắc lực trong tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới. Từ đó, phát huy sức mạnh tại chỗ làm nền tảng xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Những tên gọi, hình ảnh người thầy thuốc, thầy giáo, thợ cắt tóc... mang trên mình bộ quân phục màu xanh đã trở nên rất gần gũi, thân thiết và là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.
Về đối ngoại với các tỉnh giáp biên Campuchia, trong thời gian qua, lực lượng BĐBP đã duy trì rất tốt mối quan hệ với nhân dân, chính quyền và lực lượng vũ trang các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện, bền vững.
PV: Đồng chí vừa nhắc đến những đóng góp của lực lượng BĐBP trong công tác đối ngoại. Vậy đồng chí cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Đồng chí NGUYỄN VĂN TRĂM: Chức năng của BĐBP là thực hiện các nhiệm vụ trên khu vực biên giới, đây là cửa ngõ tiếp giáp với nước láng giềng Campuchia. Những năm qua, BĐBP tỉnh vừa thực hiện công tác tham mưu, vừa trực tiếp thực hiện công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân. Tôi lấy một vài ví dụ điển hình về những thành tích nổi bật của các đồng chí biên phòng trong công tác đối ngoại, đó là việc luôn chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức các đoàn sang thăm, tặng quà chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh giáp biên Bình Phước. Các đồng chí đã tổ chức được nhiều đợt khám chữa bệnh, phát thuốc và tặng quà cho nhân dân, lực lượng vũ trang Campuchia...
Một công tác rất quan trọng chúng ta không thể không nhắc đến, đó là công tác phân giới cắm mốc với sự nỗ lực của các cấp, ngành mà nòng cốt là lực lượng BĐBP. Hiện nay, tỉnh ta đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc với 28 cột mốc chính và 353 cột mốc phụ, trong đó Việt Nam xây dựng 173 mốc, phía Campuchia xây dựng 180 mốc phụ, đưa Bình Phước trở thành tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hoàn thành công tác phân giới cắm mốc. Ngoài ra, BĐBP còn rất chủ động trong việc tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân. Minh chứng cho điều này là việc tham mưu địa phương ký kết thành công 7 cụm giao lưu nhân dân hai bên biên giới, qua đó tạo các điều kiện thuận lợi cho việc thăm thân, qua lại làm ăn buôn bán của nhân dân hai nước.
PV: Trong tình hình hiện nay, thế giới và cả khu vực có những diễn biến phức tạp, theo đồng chí thì lực lượng BĐBP nói riêng và chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang nói chung cần có những biện pháp như thế nào để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới?
Đồng chí NGUYỄN VĂN TRĂM: Trong mọi hoàn cảnh và mọi thời điểm, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, nhất là trong tình hình hiện nay thì nhiệm vụ đó càng nặng nề hơn, yêu cầu đặt ra cao hơn, đòi hỏi lực lượng Quân đội nhân dân nói chung, BĐBP nói riêng phải tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: Bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp“của dân, do dân, vì dân”, lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục là chính; thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; lãnh đạo, chỉ huy tại chỗ; lực lượng, phương tiện tại chỗ; bảo đảm tại chỗ; cơ động tại chỗ; thực hiện “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Ngoài ra, Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng xác định rõ BĐBP là lực lượng chuyên trách, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt bảo vệ biên giới. Vì vậy, đây là sự nghiệp “của dân, do dân, vì dân”, nên trước hết phải được sự đồng thuận của nhân dân, dựa vào nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới. Các đồng chí cần chủ động nắm chắc, phân tích tình hình, diễn biến nội, ngoại biên và cả khu vực, thế giới, phát huy vai trò chuyên trách của BĐBP trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đổi mới nội dung, phương pháp, huấn luyện toàn diện và chuyên sâu, sát đối tượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về quân sự, nắm vững kiến thức chung về kinh tế, văn hóa, xã hội, biết nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm “3 bám, 4 cùng”. Chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.
PV: Thưa đồng chí, để xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số ngành tiến thẳng lên hiện đại thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và sẽ có những ưu tiên, chính sách gì hướng về biên giới?
Đồng chí NGUYỄN VĂN TRĂM: Với 260,433km, Bình Phước là tỉnh có đường biên giới dài nhất trong các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia. Là một tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, cửa ngõ, cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia; từ khi được tái lập đến nay, Bình Phước luôn xác định bảo vệ vững chắc vùng biên là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên nói riêng và của tỉnh Bình Phước nói chung. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các chỉ thị, kế hoạch để cụ thể hóa các chính sách của Đảng, Nhà nước hướng về biên giới. Hàng loạt hoạt động phối hợp hiệu quả được triển khai, góp phần tạo nên những chuyển biến đáng ghi nhận trong nhận thức chung của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về những vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ. Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hướng về biên giới để ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn Campuchia. Điển hình như các chương trình 134, 135, 1592, chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ” ở các xã biên giới, “Phía sau chăm lo phía trước”, “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em tới trường”... Hay như các phong trào thi đua trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới như:“Phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ tự quản đường biên cột mốc”, “Điểm sáng chấp hành pháp luật ở khu dân cư”, “Phụ nữ dân tộc tham gia bảo vệ biên giới”, “Điểm sáng biên giới”...
Từ những chính sách ưu tiên đầu tư của chính quyền các cấp, hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được hoàn thiện, trình độ dân trí ngày một nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng bào các dân tộc và những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên khu vực biên giới dần được đảm bảo. Diện mạo nông thôn mới trên khu vực biên giới Bình Phước đang khởi sắc, thay da đổi thịt từng ngày.
Đặc biệt, trong những năm qua, ngoài các chính sách ưu tiên như quy hoạch khu dân cư, bàn giao đất sản xuất, trồng cây công nghiệp, nông nghiệp để tăng nguồn thu cho các đơn vị BĐBP, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu giữa các huyện, thị, các ban, ngành, đoàn thể với các đồn biên phòng. Qua đó không chỉ mang lại lợi ích vật chất mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, là nguồn động viên tích cực, động lực thúc đẩy mạnh mẽ ý chí, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên biên giới. Đồng thời xác định rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân tuyến sau đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!