Những hố bom, giao thông, nơi diễn ra chiến sự ác liệt năm xưa nhanh chóng được san lấp, phủ xanh bằng tất cả khát vọng của những người yêu hòa bình, lao động.
Vùng đất hào hùng
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được thành lập vào tháng 9-1965 để lãnh đạo phong trào cách mạng của quân và dân các địa phương: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và Biên Hòa.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Thanh Bình, giai đoạn 1965-1975, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là nơi đứng chân của các lực lượng vũ trang và cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Biên Hòa. Nơi đây, Tỉnh ủy Biên Hòa tập trung triển khai cuộc tổng tấn công và nổi dậy của các đơn vị chủ lực như: Sư đoàn 5, Đặc công Biên Hòa, Trung đoàn 4, Trung đoàn Đặc công 113..., đánh vào các căn cứ trọng điểm của Mỹ và quân đội Sài Gòn tại mặt trận Biên Hòa.
Thời gian đầu, Mỹ và quân đội Sài Gòn liên tục đổ quân đánh vào căn cứ. Máy bay địch rải bom, các loại pháo bắn vào căn cứ cả ngày và đêm. Sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, quân địch phản kích điên cuồng. Hằng ngày, địch tập trung cơ giới ủi phá căn cứ; cắt, xắt căn cứ thành mảng; chất độc hóa học do máy bay địch rải hủy diệt cây rừng tàn rụi, chất độc da cam/dioxin lan tỏa làm nhiều người bị nhiễm.
Có mặt tại chiến trường U1 giai đoạn 1968-1972, cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài (80 tuổi đời, 58 tuổi Đảng, ngụ ấp Tân Thành, xã Thanh Bình) kể, các cơ quan, đơn vị bộ đội đóng quân tại đây luôn biết dựa vào dân để sống, chiến đấu. Nơi Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đóng chân có bàu rau muống tự nhiên rất rộng. Chiều xuống, bộ đội, cán bộ trong căn cứ ra đây hái rau về cải thiện bữa ăn. Đồng thời, giếng Bộ Đội (được đào vào khoảng năm 1965) là nguồn nước rất quan trọng của bộ đội trong suốt thời kỳ bám trụ tại căn cứ.
“Người dân không chỉ che chở, nuôi dưỡng, cung cấp lương thực, thuốc men cho bộ đội mà còn là những cơ sở giao liên, thông tin bí mật. Chính vì được dân tin yêu, che chở, bảo vệ nên Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 dù có bị bom đạn địch cày xới vẫn kiên trung tồn tại cho tới ngày đất nước thống nhất” - cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài bộc bạch.
Cũng theo lời cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Thanh Bình nằm lọt trong vòng vây những chi khu, tiểu khu quân sự, các trận địa pháo (Sông Thao, Suối Đĩa), gần các căn cứ quân sự, kho tàng lớn của địch. Do đó, Tỉnh ủy Biên Hòa xác định trụ vững được địa bàn này không những tạo được những cửa khẩu hậu cần để cung cấp lương thực, thực phẩm cho cách mạng, giữ được những tuyến hành lang giao liên quan trọng, mà còn tạo thế để các lực lượng vũ trang cách mạng tiến công vào các cơ quan chỉ huy đầu não, căn cứ quân sự của địch trong nội ô Biên Hòa. Chính vì vậy, ngoài bám trụ, bám dân kháng chiến, Tỉnh ủy Biên Hòa kiên trì đường lối vận động quần chúng, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng.
Đổi thay từng ngày
Sau ngày đất nước thống nhất, khu Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được trả lại cho rừng già. Vùng đất này cũng đón đông đảo người di cư đến khai hoang lập nghiệp. Mặc dù nơi đây vẫn còn in rõ dấu tích bom cày, đạn xới nhưng người dân di cư và đồng bào các dân tộc bản địa Chơro, Châu Mạ, Cơ Ho vẫn đoàn kết, chung sức, đồng lòng với nhau, với các cấp chính quyền biến vùng đất này thành những vườn rẫy xanh tốt.
Có mặt tại Bàu 17, ấp Tân Thành vào năm 1976, ông Dương Huyền Lan (70 tuổi, dân tộc Hoa) nhớ lại, ngày mới vào xin chính quyền xã Cây Gáo (năm 1994, xã Cây Gáo mới chia tách thành 2 xã Cây Gáo và Thanh Bình) khai khẩn đất hoang để lập nghiệp, ông và 12 hộ đồng bào dân tộc Hoa lúc đó được hướng dẫn khai khẩn khu đất gần bàu Rau Muống.
Lúc đó, dân di cư chưa vào khai khẩn nhiều nên khu vực Bàu 17 chỉ lưa thưa vài túp lều tranh. Mãi những năm 1978-1980, dân cư ở các xã lân cận và di dân tự do từ khắp các tỉnh, thành, trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mường... mới lần lượt tìm tới. Dân di cư đi theo nhóm cũng có và đi riêng lẻ từng hộ cũng khá nhiều. Cứ vậy, người đi trước hướng dẫn hoặc chỉ bày cho người đến sau khai khẩn những vùng đất chưa có người “xí” phần. Chẳng mấy chốc, Bàu 17 và khu Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 xưa kia trở thành vườn rẫy.
Xã Thanh Bình là vùng bán trung du, nằm trong vùng địa hình đồi thấp, thoải, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu thuộc nhóm đất đen, giàu mùn, lân, bazơ, carbon… nên rất thích hợp với các loại hoa màu, cây ăn trái. Chính vì vậy, chỉ sau vài năm khai hoang, phục hóa, đời sống của người dân trong xã từng bước ổn định, những loại cây trồng đem lại kinh tế cao như: tiêu, cà phê, thuốc lá, chuối… nhanh chóng phủ xanh vùng đất chiến khu xưa.
Năm 1994, xã Thanh Bình được chia tách từ xã Cây Gáo, đây là thời kỳ kinh tế địa phương có nhiều đột phá nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp về hạ tầng, giao thông, điện, đường, trường, trạm, vốn, giống cây trồng, kỹ thuật… Nhờ vậy, diện mạo vùng đất hoang sơ, bị chiến tranh tàn phá không còn nữa, nhường chỗ cho những khu dân cư sầm uất, vườn rẫy xanh màu cây trái.
Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Nguyễn Tấn Cường cho biết, sau khi chia tách, xã Thanh Bình có 4 ấp: Trung Tâm, Lợi Hà, Tân Thành và Trường An. Dân số của xã khoảng 2 ngàn hộ, với 15 thành phần dân tộc (Kinh, Hoa, Tày, Nùng…), người Kinh chiếm 70%, diện tích đất sản xuất gần 2 ngàn ha. Nhờ các chương trình quan tâm đầu tư của huyện, tỉnh, Trung ương và từng bước triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân nên người dân trong xã càng có thêm động lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa máy móc, kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất nên giá trị sử dụng đất tăng nhanh từ 40 triệu đồng/ha/năm vào năm 1994 lên 60-100 triệu đồng vào các năm 2000-2010 và nay là trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Rồi phong trào xây dựng nông thôn mới được Trung ương, tỉnh phát động với mục tiêu nâng cao mức sống, điều kiện thu nhập cho nhân dân. Song hành với phong trào này là hệ thống giao thông - điện, đường, trường, trạm, thủy lợi được đầu tư phủ khắp vùng căn cứ. Nhờ vậy, diện mạo của địa phương khởi sắc, đổi thay nhanh chóng qua từng năm và xã Thanh Bình trở thành vùng quê đáng sống, nơi “đất lành chim đậu”. Nhất là vào năm 2013, địa phương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, cuối năm 2020 được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và nay tiếp tục xây dựng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhìn lại một chặng đường dài lập nghiệp trên vùng căn cứ xưa, ông Dương Huyền Lan tự hào tỏ bày, không có gì khuất phục được lòng tin vào Đảng, chính quyền của đồng bào Hoa, Nùng, Tày, Chơro… nơi vùng đất Căn cứ Tỉnh ủy U1. Hết chiến tranh, qua thời bao cấp, con người có già đi vì tuổi tác nhưng ý chí vươn lên vẫn mãnh liệt như những cây chuối cấy mô, tiêu, cây ăn trái trên vùng đất đá Thanh Bình.
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 trở thành biểu tượng thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Đồng Nai không chỉ trong kháng chiến, mà trong cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Năm 2004, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được triển khai xây dựng giai đoạn đầu với các hạng mục: nhà bia, sân lễ hội, cây xanh... Năm 2019, công trình Đền tưởng niệm Khu di tích Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (giai đoạn 2) với các hạng mục: đền tưởng niệm, sân và đường dẫn vào đền với diện tích gần 500m2 được hoàn thành.