MỘT
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cậu học trò Lưu Phước Lượng (Năm Lượng) đã từ mái trường Minh Tâm bên dòng sông Sài Gòn (Thủ Dầu Một) thơ mộng lên đường theo cha làm cách mạng.
Năm 1965, khi bước vào tuổi 17, Năm Lượng đạp xe vào vùng giải phóng Chánh Lưu (Nhà Đỏ) gặp cha. Bấy giờ cha anh đang làm Chỉ huy trưởng một đơn vị quân giải phóng. Đến rừng Long Nguyên, lần đầu tiên Năm Lượng nghe những âm thanh kỳ lạ như xay lúa trên bầu trời. Rồi cả một vùng rộng lớn rung chuyển như có ai bóc vỏ trái đất. Đó là trận thử lửa đầu tiên. Máy bay B52 của giặc Mỹ rải thảm.
Với cách dẫn chuyện chân thực, dung dị, tác giả Dấu ấn cuộc đời đưa chúng ta vào những chiến dịch, những trận đánh khốc liệt mà ông là người trong cuộc.
Trận chạm trán với Lữ dù 173 “bất khả chiến bại” của Mỹ đầu năm 1967 là một ví dụ. Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, Năm Lượng được tăng cường xuống Phân khu 1 (Sài Gòn - Gia Định) làm chiến sĩ thông tin vô tuyến điện phục vụ Tư lệnh Phân khu là ông Nguyễn Thế Truyện. Và, anh chứng kiến vị Tư lệnh kính yêu của mình hy sinh ngay vùng ven Sài Gòn...
Đọc Dấu ấn cuộc đời, ta dễ nhận ra, bất cứ ở đâu: Phòng Thông tin hay Trường Thông tin Miền; Trường Quân chính hay Học viện Chính trị - Quân sự..., khi tổ chức cần, Năm Lượng đều có mặt. Đây có lẽ là thời kỳ ông học được nhiều nhất. Sau này đảm đương các trọng trách: Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị Sư đoàn 5; Phó Tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4, Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Quân khu 9..., Lưu Phước Lượng có đủ bản lĩnh, tự tin cùng Đảng ủy và Chỉ huy lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Được đào tạo bài bản lại được trui rèn trong thực tiễn chiến trường, từ một chiến sĩ thông tin báo vụ, qua các chức vụ khác nhau, Lưu Phước Lượng trở thành tướng. Vị tướng trưởng thành qua chiến tranh đã tôi luyện ông thành một cán bộ cấp chiến lược của Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thế giới quan và phương pháp luận khoa học.
HAI
Nói đến chiến tranh là nói đến tổn thất. Đã có hàng triệu người Việt Nam hy sinh hoặc cống hiến một phần thân thể vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ấy vậy mà điều kỳ diệu đã đến với đại gia đình của Trung tướng Lưu Phước Lượng. Trong các cuộc kháng chiến ấy, gia đình Lưu Phước Lượng cả nhà đều tham gia cách mạng. Nhưng khi đất nước hòa bình, cả nhà ông đều còn sống sau chiến tranh.
Cha ông - Đại tá Lưu Phước Anh (Tư Bình) trong kháng chiến chống Mỹ là Chỉ huy trưởng tỉnh đội Phước Thành. Mẹ ông ở lại vùng địch tạm chiếm làm cơ sở mật của ta. Các anh, chị, em đều tham gia kháng chiến. Có người trực tiếp cầm súng đánh giặc. Có người phục vụ ở tuyến sau. Và, hầu như đều trở thành cán bộ cao cấp của Quân đội. Chị gái của ông - Đại tá, bác sỹ Lưu Kim Hà được phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Bản thân Lưu Phước Lượng nhiều lần bị thương.
Điều đáng ghi nhận nữa trong Dấu ấn cuộc đời, đó cũng chính là nhân tố tạo nên sức mạnh giúp Lưu Phước Lượng vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức là tình yêu lứa đôi. Lưu Phước Lượng đã bật mí nhiều tình tiết ly kỳ, lãng mạn về cuộc tình trăm năm ấy. Dấu ấn cuộc đời không chỉ là dấu ấn của các chặng đường kháng chiến gian khổ, ác liệt Lưu Phước Lượng đã trải qua mà còn là dấu ấn tình yêu của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Cô gái xứ Chín Rồng xinh đẹp - một chiến sĩ cùng vượt Trường Sơn ra Bắc học tập với Năm Lượng năm xưa - người bạn đời thủy chung, tần tảo hết lòng vì chồng vì con là điểm tựa để ông phấn đấu và trưởng thành.
BA
Dấu ấn cuộc đời của Trung tướng Lưu Phước Lượng là tập hồi ký rất đáng đọc bởi nhiều yếu tố.
Thứ nhất, đây là câu chuyện của một người lính “Bộ đội Cụ Hồ” - một vị tướng đã trực tiếp có mặt trong những giai đoạn, thời khắc lịch sử của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Câu chuyện của tác giả không chỉ là của riêng mình mà gắn liền với những thăng trầm của đất nước, của Quân đội.
Thứ hai, Dấu ấn cuộc đời là một bức tranh về cuộc đời của tác giả. Bức tranh về cuộc đời riêng của tác giả luôn gắn chặt với bức tranh tổng thể của đất nước. Hay nói cách khác, số phận của tác giả luôn gắn với “số phận” của đất nước và Quân đội.
Thứ ba, Dấu ấn cuộc đời của Trung tướng Lưu Phước Lượng, sau mỗi trường đoạn đều rút ra những nhận định, đánh giá với cảm xúc của tác giả. Điều đáng chú ý cảm xúc ấy được tác giả chủ động chế ngự, điều chỉnh. Đó là điều rất cần cho một vị tướng cầm quân, một phẩm chất cốt lõi của người làm công tác Đảng - công tác chính trị.
Thứ tư, bấy lâu nay khi viết hồi ký, các tướng lĩnh, nhân vật lịch sử thường vào vai người kể; còn chắp bút là công việc của các nhà văn, nhà báo hoặc người viết có kinh nghiệm. Trung tướng Lưu Phước Lượng tự mình viết.
Cái gì cũng có tính hai mặt. Trong xu thế hiện nay, tôi ủng hộ việc các tướng lĩnh nên tự mình viết hồi ký, vừa đảm bảo tính trung thực, vừa có nét riêng.