Tổng cục Hải quan vừa có thống kê chi tiết về hoạt động xuất nhập khẩu các loại hàng hóa trong năm 2024. Đáng lưu ý, với mặt hàng sắt thép, năm qua, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm đạt 19,07 tỷ USD, tăng mạnh 21% (tương ứng tăng 3,3 tỷ USD) so với năm 2023.
Trong đó, trị giá nhập khẩu của sắt thép các loại trong năm 2024 đạt 12,58 tỷ USD, tăng 20,6% với lượng nhập khẩu đạt 17,71 triệu tấn, tăng 32,9%.
Thép cuộn, thép tấm, thép mạ kẽm, thép thanh và dây thép… là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Năm 2024, Việt Nam chi hơn 19 tỷ USD nhập thép và sản phẩm từ sắt thép
Đáng chú ý, lượng sắt thép nhập từ Trung Quốc gia tăng đột biến trong năm 2024. Cụ thể, nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc với trị giá đạt 12 tỷ USD, tăng 32,2% (tương ứng tăng 2,93 tỷ USD) so với năm trước.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 1,96 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 170 triệu USD), Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 2,1% (tương ứng tăng 39 triệu USD) so với năm 2023.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất ước đạt khoảng 30 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn…
Một nguyên nhân khiến thép nội địa khó cạnh tranh trong tiêu thụ là sự đổ bộ của thép nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu thép vào Việt Nam.
Trong năm 2023, lượng sắt thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của nước ta.
Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30 - 70 USD tùy từng loại sản phẩm.
Điều này xuất phát từ thực tế, Trung Quốc vẫn đang "thừa thép", tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.
Hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thép, với khoảng 500 nhà máy thép các loại, tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023.
Do thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ nhập khẩu tràn lan vào năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra sản phẩm này, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Theo đó, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra đối với thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và mặt hàng Thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng cả hai mức thuế này đều có thể áp dụng vào năm 2025 để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong trường hợp điều này được thực hiện, chênh lệch giữa Thép cuộn cán nóng HRC, thép mạ kẽm nhúng nóng HDG trong nước và nhập khẩu có thể giảm xuống còn 45 USD/tấn và 60 USD/tấn, giảm lần lượt 20% và 24% so với năm 2024.
Sự chênh lệch giá thấp hơn dự kiến có thể tác động tích cực đến các nhà sản xuất thép nội địa khi cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập khẩu.
MBS nhận định vào năm 2025, thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế.
Theo đó, thị phần của Hòa Phát về phân khúc Thép cuộn cán nóng HRC có thể đạt 25% nhờ thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc và Ấn Độ. Về thép mạ kẽm nhúng nóng HDG, các công ty đầu ngành như Hoa Sen và Nam Kim sẽ chiếm gần 40% thị phần tiêu thụ.
Thúy Hà