Từ ngày 11/10, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Điện là nguyên liệu sản xuất đầu vào, nên khi giá tăng ảnh hưởng tới chi phí của các doanh nghiệp.
Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, chi phí tăng thêm bình quân mỗi tháng của nhóm khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ là 247.000 đồng; sản xuất 499.000 đồng và hành chính sự nghiệp 91.000 đồng.
Trên thực tế, việc tăng giá điện luôn tạo hiệu ứng domino tăng giá của hầu hết các mặt hàng từ sắt, thép, Xi măng tới các nhu yếu phẩm...
Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dù về lý thuyết, mức tăng giá điện được tính vào giá thành sản phẩm, nhưng thực tế, họ rất ngại tăng giá sản phẩm vì lo ngại sức mua giảm sút, sức cạnh tranh yếu, sản xuất có nguy cơ đình trệ do tăng lượng hàng tồn kho.
Đối với ngành xi măng, trong cơ cấu giá thành sản phẩm, chi phí điện chiếm khoảng 15-20%. Trong khi đó, tỷ trọng than chiếm từ 40-45% giá thành sản xuất clinker, tùy từng đơn vị và tùy giá than tại những thời điểm khác nhau.
Tăng giá điện được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận sẽ có tác động, dù không lớn. Song việc này cũng khiến việc tiết kiệm điện được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, việc tăng giá điện nằm trong dự tính của doanh nghiệp. Mặc dù phải chịu tác động của nhiều chi phí đầu vào khác, nhưng tăng giá điện được xem là không tránh khỏi trong bối cảnh ngành điện chịu khó khăn do các chi phí sản xuất đầu vào như than, dầu tăng cao.
“Trong dự tính cũng đã tính đến việc tăng giá điện. Tăng giá điện buộc đơn vị sản xuất xi măng phải tính toán lại vấn đề sản xuất, thực hiện đẩy mạnh hơn tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn”, Vicem cho biết.
Cùng ý kiến, lãnh đạo Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cho rằng, điện tăng giá cũng hoàn toàn phù hợp khi các chi phí đầu vào tăng lên.
Mặc dù đã tự chủ khoảng 30% lượng điện sản xuất nhưng lượng tiêu thụ điện mua ngoài của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ tính toán để cơ cấu lại sản xuất, tối ưu hơn để tiết giảm chi phí.
Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, bản thân ngành xi măng đã đặt ra nhiều giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó các doanh nghiệp xi măng áp dụng công nghệ phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại các dây chuyền sản xuất xi măng nhằm tự cung cấp một phần điện tiêu thụ; áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung làm nhiên liệu thay thế trong nhà máy xi măng...
Giá điện tăng, doanh nghiệp lo chi phí sản xuất tăng theo
Không chỉ xi măng, các ý kiến cho rằng giá của nhiều loại vật liệu xây dựng khác cũng sẽ đứng trước áp lực tăng giá vì giá điện tăng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bình quân để sản xuất ra 1 tấn thép, các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 600 kWh điện, chiếm khoảng 9% giá thành, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ khoảng 6%. Do vậy, việc giá điện tăng tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép.
Tương tự, Secoin hiện có 9 nhà máy sản xuất gạch men ở ba miền, chi phí điện chiếm tỷ trọng khá lớn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này.
"Việc điều chỉnh giá điện lần này ảnh hưởng đáng kể, chi phí sản xuất tăng theo", lãnh đạo Secoin cho biết.
Mặc dù việc điều chỉnh giá điện có thể được tính vào giá thành sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại việc tăng giá trong bối cảnh sức mua giảm sút sẽ khiến tiêu thụ đã khó lại càng thêm khó, đẩy hàng tồn kho lên cao, tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh thời gian tới.
Hữu Việt