Tròn 45 năm trước, với sức mạnh hào khí “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam”, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, chấn động địa cầu.
Có thể nói, Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi nhất, một biểu tượng về sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu. Chiến thắng đó không chỉ làm dân tộc Việt Nam “vỡ òa” trong niềm vui hạnh phúc mà đó còn là chiến công lớn của cách mạng Việt Nam làm “nức lòng” thế giới.
![](/fileman/Uploads/vwtbNews_QuanLyTin/17466/thumb/bao-chi-quoc-te-noi-gi-ve-chien-thang-lich-su-3041975.jpg)
Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN.
Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, nhưng vẫn vẹn nguyên cảm xúc về những ngày tháng hào hùng và tràn đầy tự hào về những thế hệ cách mạng cha anh, với ý chí kiên cường, tinh thần hết mình vì độc lập Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Với tinh thần chiến thắng 30/4, gần nữa thế kỷ qua, bằng quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tiềm lực mọi mặt của đất nước được tăng cường. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Có thể nói chúng ta đang từng bước thực hiện được di nguyện của Bác Hồ là sau ngày thắng lợi sẽ “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Tháng tư này, cả dân tộc lại đang đứng trước cuộc chiến cam go, đầy hiểm nguy, thách thức, như lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19"!
Có thể thấy, mức độ khốc liệt cuộc chiến đấu chống dịch COVID-19, mới chỉ vài tháng thôi, đã xâm nhập hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi hàng chục nghìn người. Tính đến ngày 3/4/2020, thế giới đã có hơn 1.000.000 người nhiễm bệnh; hơn 52.000 người chết! Ở nước ta, 233 người bị nhiễm; như vậy, tốc độ lây lan đang tăng lên chóng mặt, nguy cơ tử vong có thể là cấp số nhân, nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhiều giải pháp hữu hiệu…
Tuy nhiên, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngay trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã nhấn mạnh, chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người thoát dịch; coi con người là vốn quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Từ nhận thức sâu sắc đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị nước ta đã "vào cuộc" mạnh mẽ, đồng bộ. Toàn lực lượng các ngành y tế, quân đội, công an đã phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng, đồng loạt "ra quân" với những biện pháp quyết liệt, bài bản.
Đặc biệt, những ngày qua, trước diễn biến của đại dịch Covid-19, ngay trong phiên họp của Thường trực Chính phủ chiều 30-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Thần tốc” trong chống dịch, cương quyết dồn mọi nguồn lực dập dịch. Thủ tướng cho rằng, đây là thời điểm có ý nghĩa quyết định đến cục diện “cuộc chiến” chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, phải tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh; từng gia đình, từng cá nhân phải tự bảo vệ mình trước dịch bệnh.
Và ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: "Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4/2020 trên phạm vi toàn quốc".
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cần lắm sự đồng lòng, chung sức; cần lắm ý thức, trách nhiệm của mọi người. Tự bảo vệ mình trước đại dịch là phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế; là phải vượt qua sự ích kỷ, hẹp hòi, lợi ích cá nhân… Những hành động nhỏ ấy với ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng cũng đã là góp phần tích cực tham gia với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Phải khẳng định, trong suốt những ngày qua, đã có biết bao cán bộ, nhân viên ngành y tế; biết bao cán bộ, chiến sĩ LLVT một bữa ăn chưa đủ đầy, một giấc ngủ chưa trọn vẹn dồn toàn tâm sức bảo vệ sức khỏe cho nhân dân nói chung, chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nói riêng. Họ đã hy sinh tất cả vì sức khỏe cộng đồng, vì sự an toàn của đất nước. Bởi vậy, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở thời điểm quan trọng này, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng con người là trên hết, mỗi người dân hãy trở thành người chiến sĩ dũng cảm, sát cánh cùng toàn Đảng, toàn quân để khống chế, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
Sau gần nửa thế kỷ đánh tan giặc ngoại xâm, sống trong hòa bình, người dân Việt Nam lại phải đương đầu với một loại "giặc mới", vô hình và nguy hiểm, đó chính là virus SARS-CoV-2. Loại "giặc" này không thể dùng vũ khí để chống lại, mà phải cần ý chí, nhận thức và tinh thần đoàn kết để chiến đấu như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch COVID-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng.
Với hào khí chiến thắng 30-4, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, chúng ta hoàn toàn tin tưởng, kỳ vọng sự lãnh đạo Chính phủ, sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Gần 100 triệu người dân Việt Nam đều hiểu rằng, trong lịch sử chiến thắng, cái đích vinh quang chỉ dành cho những người dám hy sinh, chung sức một lòng vì dân, vì nước.