Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, lực lượng dân quân tự vệ đã được xây dựng theo Luật Dân quân tự vệ, phát huy hiệu quả trong hoạt động thực tiễn. Dân quân tự vệ thường xuyên phối hợp cùng các lực lượng đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Quán triệt chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng dân quân tự vệ và nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng này, sau khi Luật Dân quân tự vệ (năm 2009) được ban hành, các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với xây dựng dân quân tự vệ được nâng cao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân quân tự vệ được tăng cường. Các tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa nội dung của Luật, Nghị định của Chính phủ phù hợp với đặc điểm của địa phương, ban hành và thực hiện nhiều nghị quyết, quyết định, đề án, kế hoạch về tổ chức xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ. Nhờ đó, dân quân tự vệ được củng cố, xây dựng vững mạnh, rộng khắp, hoạt động có hiệu quả, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng khu vực, địa bàn và cả nước. Đến nay, dân quân tự vệ chiếm khoảng 1,4% dân số cả nước, có cơ cấu, thành phần khá hợp lý; đã coi trọng xây dựng dân quân cơ động, thường trực, binh chủng, dân quân tự vệ biển và xây dựng được một số mô hình tự vệ ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng về chính trị của dân quân tự vệ không ngừng tăng lên; tỷ lệ đảng viên đạt 20,1% (tăng 2,6% so với năm 2008). Cả nước đã thành lập gần 5.500 chi bộ, hơn 500 tổ đảng quân sự ở cấp xã, trong đó gần 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn các Quân khu 5, 7, 9 thành lập được chi bộ quân sự.
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên làm trưởng đoàn kiểm tra công tác quốc phòng, quân sự tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam. (ảnh: QĐND)
Công tác huấn luyện dân quân tự vệ có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. Việc đào tạo cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đạt kết quả tốt; đã gắn đào tạo với quy hoạch, bố trí sử dụng [1], tạo bước đột phá trong xây dựng dân quân tự vệ và góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Hoạt động của dân quân tự vệ được các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật; nội dung, hình thức hoạt động đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, chất lượng được nâng cao. Các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình điểm về hoạt động của dân quân tự vệ, mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ được các địa phương, cơ quan, tổ chức quan tâm, thực hiện đúng quy định của Luật, phù hợp với điều kiện thực tế.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ còn bộc lộ những hạn chế, nhất là trong tổ chức thực hiện. Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và một bộ phận nhân dân về xây dựng dân quân tự vệ chưa đầy đủ. Việc xây dựng lực lượng này trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dân quân tự vệ biển gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được dân quân biển hoạt động thường xuyên tại các vùng biển xa. Công tác phối hợp giữa dân quân tự vệ với các lực lượng khác trong xử lý các tình huống phức tạp ở một số địa phương, cơ sở còn chậm, hiệu quả chưa cao... Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Dân quân tự vệ, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền và vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp trong xây dựng dân quân tự vệ. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân quân tự vệ, trọng tâm là Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”, các nội dung cơ bản của Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân quân tự vệ trong các tầng lớp nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cấp trong việc thực hiện Luật. Trên cơ sở kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về dân quân tự vệ, gắn thực hiện Luật với thực hiện công tác quân sự, quốc phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Cơ quan quân sự các cấp tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án về xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ, phù hợp sự phát triển, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị và phát huy vai trò nòng cốt trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
2. Tập trung xây dựng dân quân tự vệ theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, chất lượng cao. Bám sát quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, các địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm quy trình xây dựng dân quân tự vệ, đảm bảo công khai, dân chủ, chặt chẽ ngay từ cơ sở. Việc tuyển chọn, kết nạp công dân vào dân quân tự vệ phải tiến hành theo nguyên tắc: cấp ủy lãnh đạo, chính quyền chỉ đạo, ban chỉ huy quân sự cấp xã làm tham mưu và tổ chức thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân cử, dân chăm lo”. Cơ quan quân sự các cấp, ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức thực hiện chặt chẽ công tác đăng ký, quản lý dân quân tự vệ; thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, có tỷ lệ, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, trước hết là chất lượng chính trị, phù hợp với đặc điểm vùng, miền, địa phương. Trong đó, chú trọng xây dựng dân quân cơ động, thường trực, dân quân tự vệ biển, dân quân tự vệ phòng không, pháo binh trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ huy quân sự, nhân rộng mô hình chi bộ quân sự cấp xã và đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong dân quân tự vệ, đặc biệt là ở các xã biên giới, ven biển và hải đảo. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ đạt trên 21%. Các quân khu, địa phương tiếp tục tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã, tiến tới chuẩn hóa 100% cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã có trình đại học ngành quân sự cơ sở. Trước mắt, Cục Dân quân tự vệ phối hợp với cơ quan chức năng, các quân khu, địa phương nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
3. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện và hiệu quả hoạt động của dân quân tự vệ. Các địa phương, đơn vị tiếp tục đổi mới toàn diện công tác huấn luyện dân quân tự vệ theo tinh thần Nghị quyết 765-NQ/TW của Quân ủy Trung ương với phương châm “cơ bản, thiết thực, chất lượng”, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong tình hình mới. Các Quân khu chỉ đạo, phân cấp cho Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình huấn luyện cho dân quân tự vệ, phù hợp với đối tượng, đặc điểm, nhiệm vụ. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, pháp luật, công tác vận động quần chúng cho dân quân tự vệ; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; tập trung huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, khả năng phối hợp với các lực lượng trong tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... nhất là ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, tăng cường huy động dân quân tự vệ tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở các cấp. Qua đó, rèn luyện, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho dân quân tự vệ. Mặt khác, các địa phương duy trì, quản lý chặt chẽ hoạt động của dân quân tự vệ, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh biểu hiện buông lỏng quản lý. Tiếp tục huy động các nguồn lực, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ theo quy định, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
4. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về dân quân tự vệ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg, ngày 24/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, vừa qua, các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đã tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ. Bên cạnh mặt tích cực, sau hơn 08 năm triển khai thực hiện, Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, do chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn và những đổi mới về chủ trương, quan điểm của Đảng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, dẫn đến một số quy định không còn phù hợp hoặc chưa thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần khẩn trương điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Luật Dân quân tự vệ cho phù hợp. Theo đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trước hết là Cục Dân quân tự vệ tích cực phối hợp, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, Bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Luật. Đồng thời, tổng hợp đề xuất, kiến nghị ở các cấp và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu, xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) để sớm trình Quốc hội thông qua và ban hành bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dân quân tự vệ, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện cho việc thực hiện cả trước mắt và lâu dài.
Xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp là cơ sở quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Với ý nghĩa to lớn đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện, thiết thực đưa Luật Dân quân tự vệ thực sự đi vào cuộc sống.
[1] - Cả nước đào tạo trên 33.300 Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; sau đào tạo, đã bố trí sử dụng trên 78,6%.