Vinh quang là người chiến sĩ Trung đoàn 88 anh hùng. Ảnh: PV
Tháng 3/1975, được tin chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, mọi người rất vui mừng vì cách mạng đã tạo ra bước phát triển đột biến mới làm cho cuộc tổng tiến công phát triển nhanh hơn dự kiến.
Lúc này, tôi đang dự lớp tập huấn chiến thuật, chiến dịch do Bộ Tư lệnh Quân khu 8 tổ chức. Ngày 23/3/1975, đồng chí Trần Xuân Đào, Phó Tư lệnh Quân khu chủ trì tập huấn tuyên bố kết thúc lớp tập huấn sớm hơn 10 ngày, đồng chí nói do yêu cầu nhiệm vụ, các đồng chí về đơn vị nhận nhiệm vụ mới.
Tôi về đến Trung đoàn 88 ngày 24/3/1975, Trung đoàn trưởng Lê Ngọc Điệp thấy tôi về mừng lắm, kéo tôi ngồi xuống trước tấm bản đồ, xung quanh là các đồng chí Đảng ủy viên trung đoàn, các đồng chí Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn cũng có mặt. Trực tiếp giao nhiệm vụ cho trung đoàn là anh Hai Nghiêm, Phó Tham mưu trưởng Quân giải phóng về Quân khu 8 làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu.
Nhiệm vụ lần này, Trung đoàn 88 tiến vào Sài Gòn vu hồi từ Gò Công – Long An, điểm đến cuối cùng là huyện Cần Đước – Quận 8 đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Khi nhận nhiệm vụ xong, tôi có hỏi anh Hai Nghiêm về nhiệm vụ của trung đoàn đang đóng quân tại huyện Cai Lậy – Mỹ Tho nay được lệnh đánh vào Sài Gòn, tôi chưa hỏi hết, anh Hai Nghiêm ngắt lời và nói tôi hiểu chú muốn nói gì rồi. Cấp trên nắm rất rõ hoạt động và chiến đấu của trung đoàn từ năm 1966 đến nay, thành tích của trung đoàn có từ lúc chiến đấu với quân đội Pháp, mang danh quân tiên phong, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chiếm đồi A1, đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ kết thúc chiến tranh với Pháp, nay chiến thắng người Mỹ trận đánh cuối cùng ở Sài Gòn thì Trung đoàn 88 phải có mặt tham gia. Trung đoàn 88 nên nhớ lúc Bác Hồ ở Việt Bắc về Thủ đô, Bác ghé Đền Hùng gặp cán bộ, chiến sĩ trung đoàn ở Đền Trung, Bác nói: các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước, nay trung đoàn đánh vào Sài Gòn đó là tất nhiên.
Anh Hai Nghiêm và anh Hai Điệp dặn dò tôi tìm đường chu đáo cho bộ đội hành quân các đồn bốt cứng của địch thì lách qua, đó là để bảo tồn lực lượng khi tiến vào Sài Gòn.
10 ngày sau khi đi chuẩn bị chiến trường xong, có điểm chốt giữ của địch rất cứng là cầu ông Thìn và Chi khu Tân Trụ. Cầu ông Thìn thì phải giải quyết vì đây là chốt quan trọng tiến vào Sài Gòn, cầu Chữ Y - Quận 8. Còn Chi khu Tân Trụ lách qua, chi khu này rất cứng, nó lại vừa tăng quân, ta đánh sẽ gây thiệt hại tốn hao lực lượng. Anh Hai Điệp quyết định đánh tiêu diệt Chi khu Tân Trụ để thể hiện là đánh vào nội ô Sài Gòn, phải có chiến đấu diệt dịch trên đường đi đồng thời ra lệnh cho tôi và Tiểu đoàn 3 vây đánh cầu ông Thìn lực lượng còn lại của trung đoàn là Tiểu đoàn 1, 2 và các đơn vị trực thuộc do Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy đánh vào Chi khu Tân Trụ.
Đêm 13/4/1975, hai Tiểu đoàn 1 và 2 tiến công Chi khu Tân Trụ, đến sáng 14/4/1975, ta không chiếm được chi khu, tất cả các mũi tiến công mới đến hàng rào, trời đã sáng địch đánh trả quyết liệt, địch trong công sự ta ngoài cộng sự, ta thương vong quá cao trong khi đó đồn cầu ông Thìn ta và địa phương bức rút không tổn hại gì. Như vậy, Quốc lộ 50 từ cầu ông Thìn đến cầu Chữ Y thông thoáng, các đồn nhỏ dọc đường đều bỏ chạy, riêng Chi khu Tân Trụ đang thu dọn hậu quả thương binh và liệt sĩ.
Ngày 17/4/1975, được tin đánh vào Chi khu Tân Trụ không thành công, Tư lệnh Quân khu 8 Đồng Văn Cống cử đồng chí Nguyễn Xuân Phán, Chủ nhiệm Chính trị, Thường vụ Đảng ủy Quân khu 8 và cán bộ đầu ngành của Quân khu xuống kiểm tra. Tư lệnh Quân khu 8 bãi nhiệm chức vụ Trung đoàn trưởng Lê Ngọc Điệp và Chính ủy Nguyễn Thu Sơn lý do là không chấp hành nhiệm vụ mà tự ý tổ chức đánh vào Chi khu Tân Trụ gây hậu quả thương vong cao cho đơn vị, bổ nhiệm đồng chí Bùi Quang Đơ, Trung đoàn phó lên thay và bổ nhiệm đồng chí Đặng Công Tứ, Trưởng phòng Tuyên huấn, phái viên của Quân khu đi theo trung đoàn để đánh vào Sài Gòn làm Chính ủy trung đoàn. Đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giải phóng các xã: Nhật Linh, Bình Lãng, Phước Lâm, Phước Hậu, Mỹ Lộc và đóng quân trên 2 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Long An đã áp sát Sài Gòn đoạn Bình Chánh, Quận 8.
Phải nói cho rõ thêm, khi trung đoàn vượt qua sông Vàm Cỏ Đông để vào Sài Gòn, chính quyền mặt trận giải phóng từ huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) và các huyện Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Long An các ấp xã dọc Quốc lộ 50 đã triển khai đồng bào tập trung lo cho bộ đội giải phóng khi hành quân mang nước cho bộ đội bằng các quầy dừa, nghỉ chân thì có cơm ăn, đào hầm trú ẩn, đưa cả cánh cửa, tủ thờ, phản nằm lót đường đi cho bộ đội, qua sông rạch đều có xuồng đưa đón. Có thể nói vui như hội, mặc dù có thương vong, vì tất cả cho chiến thắng.
10 giờ ngày 30/4/1975, trung đoàn đã triển khai bộ đội xong ở xã Long Trường, huyện Cần Giuộc và cách cầu Chữ Y, Quận 8 khoảng 10 km. Đến 11 giờ 30 phút, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trung đoàn tiến vào Sài Gòn 2 hướng, cánh quân thứ nhất đến cầu Chữ Y rẽ phải đánh chiếm Trường Hạ sỹ quan Biệt khu thủ đô Sài Gòn ở xã Tân Quy, huyện Nhà Bè. Cánh thứ hai đánh vào Tổng nha Cảnh sát, sau phát triển xuống Bộ Tư lệnh Hải quân có lực lượng của Quân đoàn 1, Biệt động thành giữ. Trung đoàn tiếp tục đánh qua cầu Tân Thuận chiếm Kho K18, Tổng bộ hậu cần của ngụy, đến 20 giờ đêm lực lượng trung đoàn chiếm giữ Kho xăng Nhà Bè, tiếp quản dinh quận trưởng. Trong đêm, trung đoàn đã chiếm giữ toàn bộ huyện Nhà Bè, từ xã Tân Quy đến Cư xá ngân hàng Tân Thuận Đông, Kho K18, Kho xăng Nhà Bè, phà Bình Khánh, ổn định Nhân dân và tiếp nhận vũ khí của lính ngụy lẩn tránh về nhà ra trình diện.
Trung đoàn 88 tự hào và vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc chiến tranh thống nhất Tổ quốc. Đã 48 năm qua, nay nhớ lại và suy nghĩ thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà tôi không bao giờ quên.
nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7