Chiều 27/8, Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của TPHCM tổ chức phiên họp để nghe báo cáo kết quả một năm thực hiện chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng việc triển khai Nghị quyết 98 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc và xung lực quan trọng để phát triển TP nhanh, mạnh, bền vững. Một số cơ chế, chính sách đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Dù vậy, ông Hoan cũng nhìn nhận hạn chế hiện nay là tiến độ xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cơ chế, chính sách đặc thù còn chậm. Trong đó có các chính sách về huy động, sử dụng nguồn lực giúp TP phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và mạnh mẽ, như chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược…
Trao đổi thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng Nghị quyết 98 không phải là “cây đũa thần” để giải quyết tất cả vấn đề địa phương gặp phải. TP đặt ra những yêu cầu đủ cao để cố gắng nhưng không quá cao để không thực hiện được.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại phiên họp.
“Nghị quyết 98 được kỳ vọng mở ra cơ chế để khơi nguồn lực và tháo gỡ cơ chế để TP được phân cấp, phân quyền, chủ động hơn nhưng cả hai việc trên đều chưa đạt như mong muốn”, ông Mãi cho hay.
Để khơi thông nguồn lực phát triển, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thời gian tới cần tập trung xin cơ chế làm các dự án BT, BOT; các hình thức PPP trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao đã được thông qua các tiêu chí, danh sách.
Với các dự án BT và BOT, TP đã xác định được danh mục, chuẩn bị cơ bản xong nghiên cứu tiền khả thi. Trong tháng 9, TP sẽ mở hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư, sau đó đấu thầu và triển khai, có thể khởi công được trong năm sau.
Một vấn đề khác là việc thu hút nhà đầu tư chiến lược cũng bị vướng ở việc xác định danh mục, lĩnh vực ưu đãi đầu tư chiến lược và cơ chế, chính sách. Theo đó, trước khi UBND TP trình HĐND TP thông qua danh mục phải tham khảo và thông qua sự đồng thuận của Bộ KH&ĐT.
“Trong quý 3/2024, chúng ta hy vọng sẽ gỡ được cái này, gỡ được mới tính tới được chuyện thu hút nhà đầu tư cho cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu công nghệ cao… Có tín hiệu mới là Intel và Samsung sẽ trở lại với gói đầu tư 2-3 tỷ USD”, ông Mãi cho hay.
Diệu Trang