(QK7 Online) - Trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước một cuộc sống tươi mới, ấm no đã về trên mỗi nếp nhà. Sự bố trí hợp lí các đồn trạm biên phòng, chốt dân quân và các điểm dân cư liền kề của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã tạo ra bức tường thành lòng dân vững chắc, bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Vợ chồng anh Trần Giác Dũng - điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Chúng tôi trở lại vùng biên giới tỉnh Bình Phước trong cái nắng gay gắt đầu tháng Sáu. Dọc theo đường tuyến đường biên giới Tây Nam giáp với nước bạn Campuchia, thấp thoáng là hình ảnh những khóm ấp nằm bình yên bên những cánh đồng trù phú, những rừng cao su bạt ngàn đặc trưng của vùng miền Đông Nam Bộ. Đây cũng là địa bàn tập trung khá đông đồng bào dân tộc S’tiêng, Khmer… với tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp.
Hiệu quả từ Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 2019 - 2025 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã giúp cho người dân từ bỏ cuộc sống du canh, du cư, sống an cư lạc nghiệp trên tuyến biên giới. Từ ý nghĩa chính trị sâu sắc của đề án, bảo đảm đầy đủ cơ sở hạ tầng điện, nước sinh hoạt, tạo công ăn việc làm cho các hộ dân ở đây. Đến nay, diện mạo kinh tế xã hội vùng biên tỉnh Bình Phước đã có nhiều khởi sắc…
Vợ chồng anh Trần Giác Dũng là một trong mười hộ đầu tiên dọn về sống tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước từ tháng 9 năm 2020. Được Quân khu 7 và chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà, cấp đất sản xuất, đến nay cuộc sống gia đình anh đã ổn định, hai vợ chồng đều có công ăn việc làm. Mới qua một mùa mưa mà vườn dưa của vợ chồng Giác đã ra hoa, kết trái hứa hẹn một mùa bội thu. Trong khu vườn này, vợ chồng anh còn trồng thêm các loại rau xanh, chăn nuôi heo, bò và hơn 50 con gà để cải thiện cuộc sống.
Anh Trần Giác Dũng nói: “Em làm chiến sĩ dân quân thường trực nên được ưu tiên xét chọn vào ở tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Thiện, tuy còn nhiều vất vả nhưng cuộc sống của vợ chồng em vẫn đầy đủ và hạnh phúc.”
Phát huy tinh thần tự quản đường biên, quản lý cột mốc của Nhân dân, xây dựng mỗi người dân là một cột mốc sống giữ vững biên cương. “Khó ở đâu, tìm biện pháp tháo gỡ ngay chỗ đó ”. Các hộ gia đình vừa khắc phục khó khăn, bám biên lao động sản xuất không chỉ vừa phát triển kinh tế mà còn đồng hành cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Đó chính là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới với rất nhiều niềm tin, hy vọng vào những đổi thay kỳ diệu.
Mạc Thắng