Lỗ gần 5 tỷ đồng năm 2024
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - mã chứng khoán TIS) tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm 1959. Đây là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép.
Tisco được coi là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn được chú ý với dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2) tồn đọng, kéo dài hơn 17 năm vẫn chưa hoàn thành.
Theo tìm hiểu, dự án Tisco 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, sau đó tăng lên hơn 8.100 tỷ đồng, do Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.
Hiện tại, doanh nghiệp này có 3 nhà máy sản xuất thép cán bao gồm nhà máy cán thép Lưu Xá, nhà máy cán thép Thái Nguyên và cán thép Thái Trung với công suất hơn 1 triệu tấn/năm.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên
Mới đây, Tisco vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 với doanh thu đạt hơn 2.957 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán lại tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn 137 tỷ đồng. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng giảm mạnh, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng so với cùng kỳ.
Kết quả, Tisco ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 74 tỷ đồng, tăng 311% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ban lãnh đạo Tisco cho biết, nguyên nhân lợi nhuận quý 4/2024 tăng mạnh là do công ty đã tích cực triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong tổ chức sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giá thành nên lãi gộp tăng.
Đồng thời, trong quý công ty hoàn nhập chi phí tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã trích quá từ những năm trước, và tiền bán vật tư thu hồi trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, quý 4 khởi sắc cũng không thể bù đắp cho 9 tháng đầu năm kinh doanh thua lỗ. Tính chung cả năm 2024, Tisco lỗ 4,7 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với số lỗ 176 tỷ đồng ghi nhận năm 2023. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ. Đáng chú ý, Tisco thua lỗ trong bối cảnh doanh thu cả năm 2024 tăng mạnh 11% so với năm trước đó, vượt 10.600 tỷ đồng.
Hơn 6.360 tỷ “đắp chiếu” tại dự án Tisco 2
Gánh nặng chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay chính là một trong số những nguyên nhân chính khiến Tisco kinh doanh thua lỗ.
Tại thời điểm cuối quý 4/2024, tổng tài sản của Tisco đạt 10.388 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, hơn 6.360 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang thuộc dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2). Hàng tồn kho ở mức 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm; tiền mặt chỉ còn hơn 1,7 tỷ đồng.
Bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này ở mức 8.800 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 2.865 tỷ đồng và 1.684 tỷ đồng.
Hơn 6.360 tỷ “đắp chiếu” tại dự án Tisco 2
Liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tháng 11/2024, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã làm việc với các đơn vị liên quan về dự án này.
Theo tìm hiểu, dự án Tisco 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, sau đó tăng lên hơn 8.100 tỷ đồng, do Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.
Công trình được khởi công năm 2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói) ký ngày 12/7/2007 giữa hai bên.
Đến nay, dự án Tisco 2 đã kéo dài sang năm thứ 17 chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Mặc dù “đắp chiếu” nhiều năm nhưng dự án này vẫn ngốn thêm những chi phí phát sinh do lãi vay ngân hàng hàng năm. Tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị đầu tư của dự án Tisco 2 đã thực hiện là 6.360 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay vốn hóa là 3.145 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong năm vừa qua chủ yếu là chi phí lãi vay vốn hóa.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, việc xử lý vướng mắc, tồn đọng tại dự án Tisco 2 là nhiệm vụ quan trọng đã được Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ kết luận và chỉ đạo quyết liệt để triển khai trong nhiều năm qua.
Do đó, ông Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện theo đúng yêu cầu của cấp có thẩm quyền, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Cụ thể, SCIC được giao trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc chấm dứt, thanh lý hợp EPC với nhà thầu MCC (Trung Quốc), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà Nhà nước.
Đồng thời khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu, lựa chọn phương án xử lý tiếp theo đối với dự án, bảo đảm hiệu quả tối ưu, đúng quy định.
Chỉ đạo điều động và bổ sung nhân sự có trình độ, năng lực chất lượng cao của SCIC, VNSteel để chuyên trách thực hiện và trực tiếp tham gia cùng Tisco hoàn thành các nhiệm vụ theo các nội dung chỉ đạo của Ủy ban.
Thúy Hà