Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) ghi nhận doanh thu đạt hơn 1,800 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay. Công ty báo lãi 216 tỷ đồng, tăng 32% và chỉ kém đỉnh 238 tỷ đồng thiết lập trong quý 2 trước đó không lâu.
Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong cho biết, kết quả khả quan trên đến từ doanh thu bán hàng quý cuối năm tăng mạnh, giá nguyên liệu hạt nhựa PVC giảm và công ty tận dụng tốt các khoản tiền nhàn rỗi để gia tăng lợi nhuận tài chính.
Nhà máy Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong
Lũy kế cả năm 2024, nhà sản xuất ống nhựa và phụ kiện này ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.656 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm ngoái.
Giá vốn tăng chậm hơn giúp công ty tích lũy thêm 14% lợi nhuận gộp, đạt gần 1.770 tỷ đồng. Công ty cũng có gần 92 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, cao hơn cùng kỳ khoảng 39% nhờ lãi tiền gửi và cho vay.
Kết quả, Nhựa Tiền Phong báo lãi sau thuế đạt 736 tỷ đồng, tăng hơn 31%. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi công bố thông tin.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt gần 6.415 tỷ đồng, tăng gần 18%. Trong đó, tiền nhàn rỗi có gần 533 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn hơn 1.005 tỷ đồng, lớn nhất là nguyên vật liệu.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Nhựa Tiền Phong là 2748 tỷ đồng, tăng 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ đi vay ở mức 1.481 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn.
Vốn chủ sở hữu đạt 3.666 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 1.425 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Nhựa Tiền Phong tiền thân là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, được thành lập từ năm 1960, ban đầu chuyên sản xuất mặt hàng phục vụ thiếu niên nhi đồng. Đến năm 1990, nhà máy chuyển hướng sang sản xuất ống nhựa PVC.
Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa, trở thành Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Hai năm sau, công ty niêm yết trên sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã cổ phiếu là NTP.
Hiện tại, Nhựa Tiền Phong đang sở hữu 3 nhà máy tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với tổng công suất hơn 260.000 tấn mỗi năm, chiếm khoảng 60% thị phần ngành nhựa tại miền Bắc và 30% thị phần cả nước.
Lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất kinh doanh các sản phẩm nhựa dân dụng, nhựa phục vụ cho ngành xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp; Xây dựng công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi.
Công ty đang có vốn Nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 37,1%. SCIC đã đưa Nhựa Tiền Phong vào danh sách thoái sạch vốn, ước tính giá trị khoảng 480 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông, nổi bật là nhóm Sekisui Chemical - một trong những nhà sản xuất vật liệu xây dựng bằng nhựa lớn nhất Nhật Bản. Nhóm này trở thành cổ đông chiến lược sau khi The Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan) rút khỏi hồi năm 2017 và đang chiếm 15% vốn tại doanh nghiệp này.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch 12/2, cổ phiếu NTP đang dừng ở mức 60.600 đồng/cp.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho biết doanh nghiệp đầu ngành nhựa này kỳ vọng tăng trưởng hấp dẫn với cơ hội từ giá hạt nhựa thấp.
Hiện, giá hạt nhựa PVC (chiếm 70% chi phí nguyên vật liệu) ở vùng thấp nhất trong 8 năm do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp do tình hình bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu khởi sắc, kèm sự giảm giá của dầu thô.
Trong ngắn hạn, Mirae Asset nhận định giá PVC vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp do mâu thuẫn giữa cung cầu vẫn còn tiếp diễn khi tình hình bất động sản Trung Quốc hồi phục chậm, qua đó sẽ giúp biên lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong cải thiện. Thêm vào đó, kết quả kinh doanh sẽ được hỗ trợ thêm khi mảng bất động sản dân dụng miền Bắc đang hồi phục khả quan.
Thúy Hà