(QK7 Online) - Dân tộc Việt Nam hơn bốn ngàn năm dựng nước đã có đến 3/4 thời gian phải chống giặc ngoại xâm. Lịch sử đã đặt lên vai dân tộc ta sứ mệnh phải chống lại nhiều đế quốc sừng sỏ để bảo vệ đất nước. Đặc biệt trong thế kỷ 20, với chiến thắng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã góp thêm những trang sử đẹp nhất, hào hùng nhất của lịch sử chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, khát khao hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Ban chỉ đạo công trình sách "Ký ức người lính" tặng sách cho Học viện Lục quân
Được Tổng cục Chính trị (TCCT) Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho phép, năm 2012 Trung tâm Truyền thông Ký ức người lính phối hợp với một số cơ quan hữu quan phát động phong trào viết và kể lại những câu chuyện, những chiến công, kỳ tích, kỷ niệm sâu sắc trong các cuộc kháng chiến; trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp bạn cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay của chiến sĩ đồng bào cả nước để tập hợp và xuất bản sách “Ký ức người lính” (KƯNL).
Tâm nguyện thiết tha.
Theo Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên UVTW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Trưởng ban chỉ đạo công trình sách “Ký ức người lính” (KƯNL), công trình này là một việc làm có ý nghĩa xã hội nhân văn rộng lớn, nhằm lưu giữ và làm phong phú thêm giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của Quân đội và Nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, Nhân dân ta đã vượt qua bao gian khổ, khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế…và làm tất cả những gì có thể để tôn vinh lịch sử dân tộc, tưởng nhớ những người đã khuất. Nhưng tất cả những gì đã làm mới chỉ đáp ứng được một phần so với những đóng góp vô cùng to lớn và sự hy sinh anh dũng của quân và dân cả nước. Thời gian cứ dần trôi, tất cả những nhân vật lịch sử, những tư liệu lịch sử với bao kỷ niệm, dấu ấn, chiến công, kỳ tích chưa được tôn vinh sẽ khuất dần theo năm tháng, theo số phận của từng con người để đi vào lòng đất… Vì thế viết về những kỷ niệm sâu sắc, sưu tầm tất cả những kỷ vật quý báu có thể là trang nhật ký, bài thơ, bài văn, mẩu chuyện, bức thư và nhiều kỷ vật vô giá khác. Tất cả những điều được coi là bình dị trước đây sẽ là vĩ đại, vô giá với hôm nay và mai sau. Đây sẽ là một tổng kho tư liệu lịch sử hào hùng của một dân tộc anh hùng mà mỗi người dân đất Việt phải có trách nhiệm bảo tồn và lưu giữ cho muôn đời sau. Và để một số người viết về cả một tổng kho lịch sử hào hùng của một dân tộc anh hùng thì rất khó và cũng chưa có. Nhưng cả một dân tộc cùng viết thì hoàn toàn có thể làm được, nhờ đó chúng ta sẽ có một tổng kho tư liệu vô giá, là bản trường ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, làm tư liệu giáo dục truyền thống, đề tài phim ảnh, thơ ca, nhạc họa cho các thế hệ mai sau.
Công trình sách “Ký ức người lính” cũng là ký ức của dân tộc, là một phần lịch sử của dân tộc. Ký ức thiêng liêng ấy như nhắc chúng ta về một thời hào hùng của toàn dân tộc, của những người lính và những chiến sĩ cách mạng trong lòng địch và trên chiến trường bom rơi đạn nổ - những người đã dám hy sinh để chúng ta có được cuộc sống hạnh phúc và đất nước thanh bình hôm nay.
Đó là nghĩa cử tri ân, là nén tâm hương tưởng nhớ những người đã khuất, là sản phẩm tâm linh văn hóa của thế hệ trước để lại cho các thế hệ mai sau. Làm việc này càng sớm càng tốt, càng muộn thì càng mất mát dần và sẽ không bao giờ lấy lại được- Tiến sĩ Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
Bước khởi đầu thuận lợi
Với tình cảm, trách nhiệm cao của ban chỉ đạo, ban tổ chức cùng sự đồng hành, hỗ trợ nhiều cơ quan, đơn vị, công trình sách KƯNL đã có những bước khởi đầu tích cực. Trong năm qua, ban tổ chức cũng đã báo cáo hoạt động của công trình với Thủ tướng Chính phủ. Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) các thành viên ban chỉ đạo, ban tổ chức, biên soạn và một số nhân vật tiêu biểu đã được vào Phủ Chủ tịch để báo cáo hoạt động của công trình với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chủ tịch đã có thư chúc mừng, hoan nghênh và cho đây là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc để tri ân các thế hệ cán bộ chiến sĩ, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã có công văn đề nghị các Bộ, ngành và các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước có hình thức ủng hộ, tài trợ, giúp ban tổ chức triển khai và thực hiện công trình trong cả nước.
Ban tổ chức cũng đã báo cáo nội dung, phương thức triển khai công trình KƯNL với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng ủng hộ việc triển khai công trình và giao Tổng cục Chính trị chỉ đạo và phối hợp với ban tổ chức triển khai trong toàn quân.
Ban chỉ đạo công trình đã trực tiếp tới làm việc với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân, Bộ Tư lệnh các Quân khu: 3, 4, 5, 7, 9 đề nghị các đơn vị ủng hộ. Lãnh đạo các đơn vị cho đây là việc làm có ý nghĩa cần triển khai khẩn trương, đồng bộ vì thế đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương thuộc quyền ủng hộ thông qua việc giới thiệu nhân vật, ủng hộ tài chính và tham gia các hoạt động của công trình.
Ban chỉ đạo công trình sách "Ký ức người lính" làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng
Đặc biệt trong tuần qua, ban chỉ đạo đã có những buổi làm việc với các thành phố, tỉnh phía Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bến Tre, Lâm Đồng… Ngoài sự đón tiếp trọng thị, lãnh đạo Thành ủy- Ủy ban các tỉnh thành trên đã bày tỏ sự trân trọng giá trị to lớn của công trình; xem đây là tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân với công lao, sự hi sinh bao thế hệ anh hùng, liệt sĩ; đồng thời cam kết ủng hộ, phối hợp với ban chỉ đạo công trình sách để thực hiện hiệu quả nhất. Hành động vào cuộc đầy trách nhiệm, tình cảm đó của các địa phương càng khẳng định giá trị nhân văn của công trình và tiếp thêm “lửa”cho các thành viên công trình nỗ lực chạy đua với thời gian hoàn thiện trọn vẹn công trình sách -Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW, nguyên đại biểu Quốc hội, thành viên ban chỉ đạo khẳng định.
Ban chỉ đạo công trình sách "Ký ức người lính" chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Bình Phước
Theo đại tá Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Ký ức người lính, Trưởng ban tổ chức, hiện tại công trình sách KƯNL đã ra mắt 3 tập (tập 1, tập 2, tập 3) với nhiều bài viết hấp dẫn, mới lạ, sâu sắc được đông đảo bạn đọc đón nhận. Các tập tiếp theo sẽ được xuất bản nhân kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12 hàng năm. Dự kiến phấn đấu khoảng 40-50 tập, đây sẽ là công trình đồ sộ nhất, dài tập nhất, nhiều người tham gia nhất… viết về đề tài chiến tranh!
Bài, ảnh: Nguyễn Bắc
BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TRÌNH SÁCH “KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH”
1- Tiến sỹ Lê Doãn Hợp – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2- Thượng tướng, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu – Anh hùng LLVT ND, nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
3- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội CCB Việt Nam.
4- Phó đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Tình – Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng, nguyên Chính ủy quân chủng Hải Quân.
5- Trung tướng Nguyễn Trung Thu – Anh hùng LLVT ND, Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 5.
6- Trung tướng Triệu Xuân Hòa – Anh hùng LLVT ND, Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân khu 7.
7- Trung tướng Trần Phi Hổ - Anh hùng LLVT ND Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9.
8- Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Trưởng BLL CCB Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, Trưởng BLL 15 nhà tù cách mạng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội; nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
9- Đồng chí Đỗ Quý Doãn – Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT.
|